Nhiều hạn chế bất cập
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua rà soát, có 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều.
Trong đó, có những bất cập như, biện pháp “Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại KBNN, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản”. Biện pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa, khi số dư trên tài khoản đủ để thanh toán một phần, hoặc toàn bộ cho các nghĩa vụ thuế, trường hợp DN cố tình rút hết tiền trong tài khoản, thì biện pháp này không có khả thi.
Biện pháp “Ngăn chặn tạm dừng xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của DN còn nợ tiền thuế, tiền phạt”, chỉ mới có tác dụng đối với các cá nhân, chủ DN tư nhân, công ty một thành viên, nhưng lại không có tác dụng với các công ty cổ phần, trong khi đây là các DN thường có số nợ thuế lớn.
Biện pháp “Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập theo quy định”, thực tế triển khai cho thấy không mấy hiệu quả, do chỉ thu được thuế của những người làm công ăn lương, những người thu nhập không thể trốn được, còn thu nhập tự do, thu nhập khác thì cơ quan thuế cũng khó thực hiện.
“Thông báo hóa đơn không còn giá trị” - Đây là biện pháp cưỡng chế thuế có tính pháp lý rất cao, nếu thực hiện biện pháp này, DN có thể sẽ không hoạt động được do không còn hóa đơn. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, cơ quan thuế sẽ phải thu thập thông tin về hóa đơn DN, nhưng thường thì DN sẽ cố tình tránh né, kéo dài thời gian cung cấp thông tin về số hóa đơn còn tồn.
“Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt” - Đây là biện pháp sẽ rất hữu hiệu nếu triển khai thực hiện tốt. Nhưng thực tế, có nhiều trường hợp rất phức tạp, khó xử lý trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản.
“Thu hồi chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập, giấy phép hành nghề” - là biện pháp mạnh nhất, áp dụng biện pháp này thì coi như DN sẽ phải giải thể, song mục đích thu được nợ thuế dường như không đạt...
Cần thiết sửa đổi luật
Theo Tờ trình của Chính phủ - do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh; tạo hành lang pháp lý để việc ứng dụng CNTT cho công tác quản lý thuế; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đồng thời, rà soát và thống nhất giữa Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo đó, nội dung sửa đổi bao gồm 17 chương, 152 điều, trong đó một số nội dung đáng chú ý đó là quy định thẩm quyền xóa nợ, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ điện tử, ứng dụng CNTT, chống chuyển giá...
Cụ thể, về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, đề nghị bổ sung các nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế; bổ sung quy định quyền của người nộp thuế được nhận biên bản của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi thanh tra, kiểm toán công tác quản lý thu NSNN của cơ quan quản lý thuế.
Việc tổ chức lại hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo hoạt động chặt chẽ hơn. Hội đồng này, do UBND huyện, thành phố thành lập trên cơ sở đề nghị của chi cục thuế. Thành phần hội đồng, gồm: Đại diện cơ quan thuế, UBND xã, phường, thị trấn, hộ dân, cá nhân kinh doanh. Hội đồng sẽ công khai mức thuế khoán tại trụ sở xã, phường, chi cục thuế, chợ. Đây là cơ sở để các hộ dân, cá nhân kinh doanh cùng giám sát, hạn chế thất thoát thuế.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Cụ thể, được quy định theo 3 cấp: Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỷ đồng trở lên. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi quyết định việc xóa nợ. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng. Cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 1 tỷ đồng.
Bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của người đã chết, đã mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, DN chờ giải thể, DN mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, dự thảo quy định cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước. Trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ thuế, thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế./.
Thanh Bình