Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ lợn vận chuyển trái phép (Ảnh: QLTT Lạng Sơn)
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình- Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về việc tăng cường các biện pháp phòng chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch để khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các đơn vị liên quan luôn chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình dịch tả lợn Châu Phi tác động vào Việt Nam và tỉnh Lạng Sơn.
UBND các huyện biên giới chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 các huyện và các cơ quan liên quan phối hợp kiểm soát chặt chẽ các khu vực địa bàn biên giới, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc ngay từ khu vực cửa khẩu.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng giao lực lượng Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch Lạng Sơn chỉ đạo lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi nhập lậu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn qua biên giới thẩm lậu vào nội địa.
Cục Quản lý thị trường, Công an, Công Thương, NN&PTNT, Y tế tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là tại các chợ trung tâm, các địa điểm giết, mổ gia súc; nắm tình hình cung - cầu thị trường thịt lợn, theo dõi, nắm chắc diễn biến về bệnh dịch tả lợn Châu Phi để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình hình dịch bệnh trong nội địa.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn cho hay, để ngăn chặn kịp thời và hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đang tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, nhất là đối với thịt lợn NK trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật (đặc biệt là lợn) qua biên giới.
Phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật NK trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Dịch tả lợn Châu Phi được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) liệt vào danh sách các bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, không có thuốc chữa, tỉ lệ lợn mắc bệnh bị chết lên tới 100%, virus lây lan qua nhiều đường, thời gian sống của virus rất dài, có thể lên tới nhiều tháng trời.
Đinh Hoàng