Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng BCĐ 389 quốc gia Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được của lực lượng QLTT trong thời gian qua. Riêng năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng; đã kiểm tra trên 155 nghìn vụ; phát hiện, xử lý gần 92 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 93 tỷ đồng.
Trong đó, có những vụ việc nổi cộm, phức tạp đã được lực lượng Quản lý thị trường kịp thời kiểm tra, hoặc phối hợp kiểm tra, xử lý như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh; vụ việc mỹ phẩm - thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương; xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với sản phẩm mỹ phẩm và thuốc đông dược không rõ nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH Ngọc Tú; phối hợp lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an kiểm tra, xử lý số lượng lớn hàng hóa vận chuyển bằng container có dấu hiệu buôn lậu…
Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, hợp tác đối ngoại và công tác phối hợp tiếp tục được Tổng cục Quản lý thị trường quan tâm, triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.
Mặt khác, công tác triển khai thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường đã được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác tiếp nhận, triển khai kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự theo đúng trình tự quy định.
Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, công tác quản lý thị trường cũng còn không ít khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Đó là: Sự cắt giảm về tổ chức và nhân sự ngay tại thời điểm thành lập Tổng cục khiến cho công tác chuyển giao, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự gặp một số khó khăn, lúng túng, gây xáo trộn về tổ chức, ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận công chức, nhất là công chức lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị sáp nhập.
Công tác kiện toàn nhân sự của Tổng cục Quản lý thị trường cũng gặp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước như quy định về tuổi bổ nhiệm, trình độ chính trị, trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch công chức... Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức Quản lý thị trường chưa đồng đều nên đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm. Vẫn còn có công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và đã bị xử lý. Điều kiện làm việc như trụ sở, kinh phí, trang thiết bị còn thiều thốn, biên chế còn mỏng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn bất cập, chậm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự báo năm 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới, để xử lý hiệu quả hơn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các Doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, biên chế để nhanh chóng ổn định tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường, qua đó tập trung lực lượng vào công tác đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao; toàn lực lượng Quản lý thị trường chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý thị trường, lưu ý những việc công chức không được làm.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.
Theo T.Lan/BCĐ 389