Năm 2013 được coi là đỉnh điểm khó khăn của ngành ngân hàng, nhưng “soi” trên báo cáo tài chính (BCTC) của các nhà băng vẫn thấy mức lương bình quân nhân viên phổ biến trên 10 triệu đồng/tháng.

Bình quân thu nhập báo cáo vẫn cao

BCTC quý IV/2013 của Ngân hàng TMCP Quốc dân, được đổi tên từ Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) cho thấy, trong kỳ, Ngân hàng đạt 13,6 tỷ đồng lợi nhuận, nhờ hoạt động tín dụng tăng trở lại và khoản lợi nhuận này đã đóng góp tới 55% lợi nhuận cả năm 2013. Thuyết minh BCTC cho thấy, thu nhập bình quân của nhân viên trong năm đã giảm từ 11 triệu đồng/tháng xuống còn hơn 9 triệu đồng/tháng.

Tại Techcombank, theo BCTC quý IV/2013, cả năm, Ngân hàng đạt 878 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm hơn 13% so với năm 2012. Lương bình quân của cán bộ-nhân viên là 13 triệu đồng/tháng trong khi tổng thu nhập bình quân là 16 triệu đồng/tháng, gần như không thay đổi so với năm trước.

BCTC quý IV/2013 của VietinBank cho thấy, lợi nhuận sau thuế trong 3 tháng cuối năm giảm tới 60% so với cùng kỳ 2012, lũy kế cả năm, VietinBank lãi sau thuế gần 5.810 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2012. Tính đến cuối năm 2013, số nhân viên của Ngân hàng đã tăng thêm 720 người, tăng khoảng 4% so với năm 2012, nhưng quỹ lương chỉ tăng chưa đến 1%, do vậy, thu nhập bình quân của nhân viên giảm nhẹ, từ 20,3 triệu đồng/tháng trong năm 2012 xuống còn 19,7 triệu đồng/tháng.

Với VPBank, dù chưa công bố BCTC hợp nhất quý IV/2013, nhưng BCTC quý III cho thấy, lợi nhuận trước thuế trong quý này đạt 280 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 560 tỷ đồng, con số khá khiêm tốn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, quỹ lương phụ cấp của VPBank đã tăng lên 832 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, cao hơn con số 608 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm, dù VPBank tuyển thêm hơn 2.000 nhân viên, nhưng thu nhập bình quân vẫn đảm bảo mức trên 15 triệu đồng/tháng.

Thực tế có cao?

“Mức lương bình quân của một ngân hàng là 13 triệu đồng/tháng và tổng thu nhập lên tới 16 triệu đồng/tháng là rất cao, chứ chưa nói đến mức xấp xỉ 20 triệu đồng của VietinBank. Tuy nhiên, thực tế, không phải nhân viên nào cũng được hưởng mức lương khủng như vậy”, Ủy viên HĐQT một ngân hàng nói.

Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ, tại ngân hàng ông, chế độ thu nhập được chia theo 2 nhóm: kinh doanh và hỗ trợ. Thu nhập của bộ phận kinh doanh bao gồm lương cơ bản (thường không cao) và lương kinh doanh (hưởng trên doanh số thực hiện). Đối với bộ phận hỗ trợ, nhân viên chỉ có thu nhập dựa trên thang bảng lương đánh giá riêng của ngân hàng, ví dụ như tại vị trí A1, mức thu nhập hàng tháng được hưởng chỉ là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng trong bộ phận này, cấp lãnh đạo có thể có thu nhập cao hơn rất nhiều, điều này phụ thuộc vào vị trí đó.

Tìm hiểu của ĐTCK tại một ngân hàng TMCP khác cho thấy, toàn ngân hàng đều áp dụng chung một mức lương, phần còn lại sẽ được hưởng trên cơ sở toàn ngân hàng tháng đó kinh doanh xấu hay tốt và vị trí khác nhau được hưởng khác nhau. Ví dụ như, lương nhân viên trong hợp đồng là 10 triệu đồng/tháng, nhưng ngân hàng chỉ trả cho nhân viên 8 triệu đồng/tháng và giữ lại 2 triệu đồng. Nếu ngân hàng hoạt động có lãi sẽ trả phần còn lại này.

“Có những ngân hàng, tổng giám đốc ngân hàng có thể được hưởng lương tiền tỷ, nhưng không ít nhân viên chỉ được trả lương 2-3 triệu đồng/tháng. Nhìn vào con số bình quân thu nhập của các ngân hàng thì thấy có vẻ cao, nhưng thực tế mức thu nhập cao chỉ có ở vị trí chủ chốt”, một kiểm toán viên cho biết.

Ở một góc nhìn khác, giám đốc nhân sự một ngân hàng TMCP cho biết, với quy định của Bảo hiểm xã hội “kịch trần” đóng bảo hiểm là 23 triệu/tháng, dù lương thực tế của một số vị trí lãnh đạo lên đến tiền tỷ, nhưng trong bảng lương của nhà băng cũng không thể hiện hết điều này. Có những ngân hàng còn đẩy thang bảng lương trên sổ sách chính xuống thấp để né bảo hiểm xã hội và phần lương còn lại vốn rất lớn được hợp thức hóa bằng việc chi các quỹ như thu hút nhân tài, phụ cấp nhân tài, hỗ trợ nhân tài…

“Không có một thang bảng lương cứng nào trong hệ thống ngân hàng, nên bảo lương nhân viên ngân hàng cao cũng không sai, mà thấp cũng đúng”, một chuyên gia ngân hàng nêu quan điểm.

Theo ĐTCK