Đáng nói ở chỗ, chính quyền huyện Lương Sơn đã sử dụng hình thức cưỡng chế nhà nước nhằm thu hồi đất của dân (có nguồn gốc hợp pháp, là đất khai hoang từ năm 1982, đất nông trường giao khoán) để giao cho doanh nghiệp phục vụ mục đích kinh doanh - lợi nhuận, không vì mục đích an ninh - quốc phòng, mục đích công cộng…
Chủ đất, người dân bức xúc
Bà Nguyễn Thị Mơi cùng các thành viên trong gia đình cho biết: "Tôi và chồng (ông Nguyễn Danh Bàn, đã mất) đều là người Quốc Oai, Hà Nội. Theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, chúng tôi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1982, tôi bắt đầu lên đây sinh sống, thực hiện khai hoang đất đai để phát triển kinh tế gia đình.
Cùng thời điểm đó, chồng tôi được xuất ngũ, đã xin vào làm việc tại Nông trường chè Cửu Long để tiện việc chăm sóc vợ con. Từ đó, chúng tôi đã cùng nhau vất vả, cày cuốc khai hoang vỡ hóa được thửa đất hơn 10.000 m2, chính là mảnh đất gia đình tôi sinh sống, sản xuất ổn định (trồng cây ăn quả, hoa mầu...) từ năm 1982 cho đến nay.
Cũng chỉ vì muốn được hưởng lương hưu và do chồng làm trong nông trường nên năm 2008, gia đình tôi xin sáp nhập (đất) vào nông trường Cửu Long. Qua đó, ngày 16/12/2008, gia đình tôi được nông trường cấp 3 sổ giao khoán trên chính diện tích đất mà gia đình đã khai hoang vỡ hóa để sinh sống và sản xuất trong nhiều năm trước đó (sổ mang tên ông Đỗ Danh Bàn, Đỗ Danh Bình và Đỗ Thị Sinh).
Nhà được xây từ năm 2000, trước khi “đất” xin gia nhập nông trường (năm 2008)
Sau đó, nông trường Cửu Long giải thể, các hộ dân nhận khoán cùng trong Đội 6 của nông trường đều nằm trong diện được kê khai, làm thủ tục theo quy định để cấp GCN quyền sử dụng đất. Nhưng gia đình chúng tôi, không hiểu vì lý do gì lại không nằm trong danh sách được kê khai theo quy định?
Không chỉ vậy, thời gian qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần thông báo việc gia đình tôi sẽ bị thu hồi toàn bộ diện tích đất mà cả nhà chúng tôi đang sinh sống, sản xuất, mưu sinh ổn định mấy chục năm qua để cho doanh nghiệp vào dựng nhà máy, sản xuất, kinh doanh?
Chúng tôi không thể chấp nhận được, vì mảnh đất, do mồ hôi công sức, xương máu của gia đình lăn lộn trong mấy chục năm mới có được. Gần 20 con người, là con là cháu trong gia đình đều dựa vào đây mà mưu sinh.
Không hợp tác, họ (doanh nghiệp) thậm chí dùng cả xã hội đen để dọa dẫm chúng tôi. Ngày 26 và 27/6, đại diện chính quyền huyện và xã đã về nhà tôi, phá khóa cổng, vào kiểm đếm hòng đuổi hết chúng tôi ra khỏi mảnh đất này...".
Gia đình và người trong thôn bức xúc
Tại hiện trường, sau khi lực lượng cưỡng chế đã rời đi, cụ Nguyễn Thị Hay bức xúc: “Tôi là người cùng thôn, sống ở đây, chứng kiến từ những lúc con họ (gia đình chị Mơi) còn bé tý, lúc đó sắn còn chẳng có mà ăn, cuộc sống khốn khó vô cùng, trẻ phải bỏ cả học... Rất vất vả họ mới có được mảnh đất như hôm nay, làm đến lao lực nên anh ấy (chồng chị Mơi) mất sớm, trước đây đất toàn đá và sỏi thôi...
Đất đai, chúng tôi đã sử dụng ổn định bao nhiêu năm rồi. Đất của chị Mơi là đất hợp lệ, có sổ giao khoán, bây giờ lại cưỡng chế lấy giao cho doanh nghiệp… không vì lợi ích công cộng, mục đích an ninh - quốc phòng là không được”.
Ông T, cũng người trong thôn Tân Sơn, lên tiếng: "Đây không phải là đất nông trường, mà là đất họ khai hoang vỡ hoá. Vì cần cái sổ lương khi về hưu nên “biến” thành đất nông trường, nhận làm khoán trên chính mảnh đất ấy. Cho dù có là đất nông trường, thì theo sổ khoán với thời hạn 30 năm, thời hạn được quyền sử dụng vẫn còn rất nhiều năm. Khi giải thể nông trường, phải giao lại quyền quản lý đất cho chính quyền, đưa vào diện kiểm kê để cấp GCN cho dân như các hộ nhận khoán khác, căn cứ vào đâu để họ giữ lại nhằm giao cho doanh nghiệp?
Không hiểu, sau quyết định cưỡng chế kiểm đếm này, liệu có quyết định tiếp theo để “trục xuất” họ ra khỏi mảnh đất mà người ta đã khai hoang phục hoá được hay không? Họ không có chỗ nào khác cả. Phải chăng, họ phải về hội trường của huyện để ở? Nghe nói, họ định bồi thường đâu có khoảng 55 triệu đồng/sào; trong khi đó đất của nhà tôi cũng như vậy, theo gíá thị trường hiện nay phải từ 350 - 450 triệu đồng/sào…".
Bẻ khoá, xâm hại tài sản để cưỡng chế kiểm đếm?
Anh Đỗ Danh Bình, con trai bà Mơi bức xúc: "Họ tổ chức cưỡng chế kiểm đếm từ sáng ngày 26/6. Khi bắt đầu vào kiểm đếm tài sản, lúc đó gia đình (cả 3 gia đình) không có ai ở nhà, tôi thì đang có công việc trên Điện Biên. Lực lượng kiểm đếm đã tự ý phá khoá cổng nhà tôi, xâm phạm tư gia để vào nhà. Khi nhận được tin báo, có người phá khoá, tôi đã gọi cho bên cảnh sát 113 Hoà Bình để nhờ can thiệp, nhưng không thấy họ xuống. Lúc 19h, tôi về tới nhà thì lực lượng đã rời khỏi nhà tôi.
Chốt cổng được sơn, hàn lại sau khi bị phá
Sáng nay (27/6), khi họ vào kiểm đếm nốt phần đất còn lại, gia đình đã yêu cầu làm rõ việc phá khoá và các vấn đề có liên quan, nhưng họ không có giải thích nào cụ thể, đồng thời, cũng không cung cấp cho gia đình bất cứ văn bản nào có liên quan ngoài quyết định cưỡng chế thực hiện kiểm đếm (?)".
Ông Đỗ Danh Tiến (em trai ông Đỗ Danh Bàn) cho biết, vì việc này mà cháu tôi (Đỗ Danh Đàm, con chị Mơi) bị mất cái xe máy. Đầu giờ sáng 26/6, đang trên đường đi làm, khi có người báo “nhà mày bị phá cổng”, anh Tiến vội vã quay về, về gần tới nhà thì xe bị thủng xăm. Đành dựng xe bên đường để chạy bộ về, kiểm tra nhà cửa. Đến khi quay lại, thấy xe đã mất. Gia đình đã báo công an, nhưng đến hôm nay xe vẫn chưa tìm thấy.
Đông đảo người tham gia cưỡng chế, có cả người của doanh nghiệp
Không chỉ dừng ở đó, từ những tài liệu ban đầu phóng viên thu thập, được biết, đây là hình thức cưỡng chế nhà nước để thu hồi đất. Nhưng trong các quyết định cưỡng chế, do UBND huyện ban hành (số 1176, 1177, và 1178/QĐ-UBND ký ngày 14/6/2017) đều quy định kinh phí phục vụ việc cưỡng chế là do Công ty TNHH Cơ kim khí Việt Mỹ Hoà Bình chi trả. Đồng thời, trong Phương án tổ chức cưỡng chế số 148/PA-PTQĐ, do ông Nguyễn Đắc Thắng, Giám đốc TT Phát triển Quỹ đất Lương Sơn ký, cũng có tới 4 người của công ty nói trên tham gia lực lượng cưỡng chế (?!).
Gửi đơn thư cầu cứu Chủ tịch UBND tỉnh
Quá bức xúc trước nguy cơ sẽ “mất trắng mảnh đất” gia đình đã bao năm đổ công sức khai hoang vỡ hoá, sinh sống và canh tác, ngoài phản ánh tới cơ quan báo chí, ngay trong chiều cùng ngày (27/6), gia đình nhà bà Mơi đã gửi đơn thư cầu cứu tới Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cùng một số cơ quan, đơn vị liên quan, mong muốn được làm rõ sự việc nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của gia đình.
Kèm theo đơn thư là chữ ký xác nhận của nhiều hộ dân, công nhân Nông trường Cửu Long
Trong đơn thư, có nêu: "Gia đình chúng tôi luôn nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước - chấp hành đúng pháp luật. Nếu mảnh đất nhà tôi nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh hay vào công trình phúc lợi công cộng, thì chúng tôi chấp hành theo quy định. Nhưng ở đây, chỉ thu hồi đất gia đình tôi cho dự án… tư nhân. Thiết nghĩ, theo Luật Đất đai sửa đổi, giữa gia đình tôi và doanh nghiệp phải có sự thoả thuận thì dự án mới được phê duyệt và cấp phép đầu tư. Chứ không phải phía cơ quan có thẩm quyền có thể tự ý xuống cưỡng chế được...
Nay gia đình tôi viết đơn này khẩn thiết kêu cứu - gửi tới các cấp có thẩm quyền xem xét, tiến hành thanh tra, kiểm tra, để gia đình tôi đỡ thiệt thòi, chăm lo sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt trên mảnh đất mà gia đình đã và đang sinh sống.
TH&CL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Dương Tú