THCL - Mỗi ngày, hàng nghìn lượt xe tải trọng lớn, quá khổ, quá tải ùn ùn chuyên trở đất từ nhiểu điểm mỏ khai thác đất san lấp kéo nhau ra vào trên Quốc lộ 21A, đoạn qua địa bàn 3 xã khu vực phía nam huyện Lương Sơn (xã Cao Thắng, Thanh Lương và Hợp Thanh), hủy hoại mặt đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, môi trường và đời sống nhân dân khu vực.
Trước khi có đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 21 A đoạn qua xã Cao Thắng, Thanh Lương và Hợp Thanh là đoạn tuyến chủ đạo phục phục vụ lưu thông qua địa bàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sang các tỉnh Hà Nam và Ninh Bình.
Dù không còn là tuyến chủ đạo, nhưng đoạn đường có chiều dài 12 km này trước đây vẫn phải ngày đêm gồng mình trước hoạt động chuyên trở vật liệu của các xe tải hạng nặng đi qua. Đường bị xuống cấp nghiêm trọng nên năm 2015, tỉnh Hòa Bình đã đầu tư nâng cấp mặt đường để phục vụ việc đi lại của nhân dân.
Người dân cho biết, những tưởng sau khi đường được được nâng cấp, người dân khu vực sẽ thoát cảnh bụi khói ô nhiễm môi trường, đi lại được thuận tiện. Nhưng không, 1 năm trở lại đây, xuất hiện rất nhiều điểm mỏ khai thác đất san lấp, sẻ thịt không thương tiếc các đồi đất đã “mọc lên” trên địa bàn xã Hợp Thanh và xã Thanh Lương.
Từ đó, các xe “hổ vồ” quá khổ, quá tải ra vào chở đất đang ngày đêm “băm nát” tuyến đường, gây ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, an toàn giao thông và môi trường sống của người dân trên địa bàn.
Băm nát mặt đường, gây ô nhiễm và đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng người tham gia giao thông
Ông N.N.H, cư dân xã Thanh Lương nhà cạnh mặt đường bức xúc: "Cánh lái xe, ngoài lương còn được tính thưởng theo chuyến nên họ “cướp đường” phóng rất nhanh, xe ra rơi vãi bụi đất, xe vào thì chạy bạt mạng, trời mưa bùn lầy bắn tung tóe, trời nắng bụi mù mịt cuốn theo xe.
Các hộ dân sống 2 bên đường được phủ đầy bụi đất, nhà nhà phải đóng cửa kín mít cả ngày để chống bụi, kinh doanh không nổi do không hiệu quả. Trên đoạn đường này, rất ít hàng quán phục vụ người dân, bụi quá, chả mấy ai ngồi ăn uống được mà kinh doanh”.
Xe quá khổ quá tải cứ chạy xuốt ngày đêm như thế này thì không đường nào chịu nổi, đường mới nâng cấp được hơn 1 năm, nhưng đến nay đã nát hết cả, ổ gà, ổ voi đầy đường, đặc biệt là khu vực chạy qua địa bàn xã Thanh Lương. Ngay trước cổng nhà tôi, các xe hay tránh nhau tạo thành “ổ trâu” rất lớn chắn trước cổng nhà, cứ dăm bữa, nửa tháng lại phải tự kiếm đá, đất lấp vào thì mới đi lại được", ông H nói.
Có mặt tại các điểm “đào sới” đất đồi, trước mắt phóng viên là quang cảnh các đồi đất bị đào khoét nham nhở. Mỗi điểm khai khác đều có từ 1 - 2 máy xúc hối hả làm việc hết công suất, xe tải hạng nặng đợi “ăn đất” xếp hàng chờ tới lượt.
Sau khi “no đất”, từ đây, các xe nầm nập chạy ra Quốc lộ 21 để vào đường Hồ Chí Minh rồi tỏa ra nhiều hướng phục vụ nơi có nhu cầu san lấp mặt bằng (hiện rất nhiều xe đi qua tỉnh lộ ĐT 76, vào phục vụ các dự án trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
"Xẻ thịt" không thương tiếc các đồi đất trên địa bàn
Theo quan sát của phóng viên, mặt đường đoạn tuyến này có khổ loại nhỏ (5,5 m), xe ra vào chở đất và đi lại trên đường lại toàn xe tải cỡ lớn, chủ đạo là xe "4 chân", "3 chân", "2 chân", tải trọng hàng chục tấn và đa phần đều chất quá khổ, quá tải, thậm chí nhiều xe “không thèm” phủ bạt.
Xe chạy rất nhanh, bóp còi inh ỏi, 2 xe ngược chiều tránh nhau là chiếm hết mặt đường, lấn cả vào vệ đường, không còn chỗ cho xe đạp và xe máy lưu thông.
Một người dân sống gần UBND xã Cao thắng nói, dọc tuyến đường này, cả 3 xã đều có rất nhiều điểm trường có cổng đặt ngay sát cạnh trục đường. Đặc biệt là tại xã Cao Thắng, Trường THCS và Trường Tiểu học đặt ngay sát cạnh nhau nên vào các giờ cao điểm, giờ tựu trường và tan trường, rất đông học sinh của các trường tham gia giao thông trên tuyến.
Lưu lượng xe quá khổ, quá tải vận chuyển đất qua đây lại rất lớn nên hiểm nguy đang hàng ngày rình rập, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và an toàn của các cháu.
Một ngươi dân cho biết, việc khai thác và vận chuyển đất diễn ra xuốt ngày đêm, nhiều khi từ 5h sáng cho đến tận 10h tối. Thi thoảng mới có ngày lắng xuống, nghe nói những hôm đó có thanh tra giao thông hoặc cảnh sát giao thông về... “làm”. Nhưng “họ” cứ như là có mắt đằng sau vậy, nghe đâu cũng ít khi bắt phạt được gì, thanh tra/cảnh sát giao thông đi rồi thì đâu lại vào đấy... (?!)
Hàng nghìn lượt xe quá khổ, quá tải hàng ngày “diễu hành” “qua mặt” các cơ quan công quyền huyện Lương Sơn (Đồn chợ Bến - Công an huyện, UBND xã Hợp Thanh, xã Thanh Lương và xã Cao Thắng)
Khi được hỏi "người dân đã có những kiến nghị gì đến các cơ quan chức năng về hiện trạng của khu vực", cư dân xã Hợp Thanh lên tiếng: Chúng tôi chỉ là dân thôi, không biết kêu ai. Hiện có - 7 điểm đang khai thác đất đồi tại xã Thanh Lương và Hợp Thanh, không biết họ có được cấp phép hay không, chính quyền xã, huyện và các cơ quan ban, ngành của tỉnh Hòa Bình quản lý việc khai thác và vận chuyển đất tại địa bàn như thế nào thì chúng tôi cũng không biết được.
TH&CL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Dương Tú