Dân đòi trả lại môi trường và mặt đường

THCL Như báo Thương hiệu & Công luận đã phản ánh, người dân 4 thôn (thôn Suối Nẩy, Bùi Trám, Tân Sơn và Cố Thổ) xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn đã phải sống trong cảnh môi trường và đường xá bị “hành hạ” bởi hoạt động khai thác đá diễn ra trên địa bàn nhiều năm qua.

Thêm “Thủ phạm” xe chở đất

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi làm việc cùng đại diện của các mỏ đá đang hoạt động tại thôn Suổi Nẩy, theo đó, 2 đơn vị cho biết, tại các ngày cao điểm, cả mỏ của Công ty TNHH XD&TM Quang Long và mỏ của Công ty CP Sông Đà 11 có trên 100 chuyến (hơn 200 lượt) xe chở đá qua lại trên tuyến đường từ mỏ ra Quốc lộ 21.

Trong quá trình hoạt động, các công ty đã nỗ lực triển khai các giải pháp khác nhau nhằm đảm đảo môi trường và tuyến đường trong vận chuyển (tăng cường tưới nước rửa đường, rải đá kịp thời các đoạn đường xuống cấp, hạn chế tốc độ và tuân thủ giờ xe chạy theo quy định…). Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn xã Hoà Sơn đã xuất hiện thêm nhiều điểm khai thác đất, dẫn đến lưu lượng xe vận chuyển vật liệu trên cùng tuyến đường tăng đột biến, làm môi trường và tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng.

Người dân thôn Tân Sơn bức xúc, việc khai thác đá ảnh hưởng tới người dân nhiều năm qua thì đã rõ. Nhưng, hiện tại việc khai thác và vận chuyển đất trên địa bàn là rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống dân sinh. Ông Lê Văn T, cư dân thôn Tân Sơn chia sẻ, hoạt động khai thác đất gần đây thường xuyên diễn ra “24/24”, nhà tôi ở cách mặt đường khá xa nhưng có những đêm không ngủ được, nhiều khi hai ông bà già phải về Hà Nội để ngủ. Xe chạy bóp còi inh ỏi, tiếng máy rập rập liên tục,… kéo dài cả tháng trời gây ảnh hưởng lớn đến đường xá, môi sinh và cuộc sống của bà con khu vực.

Chính quyền buông lỏng quản lý?

Theo lãnh đạo UBND xã Hoà Sơn, tại khu vực hiện có 4 đơn vị và hộ gia đình được UBND tỉnh cấp quyền khai thác đất san, lấp gồm: Công ty CP Falcon Hồng Hà với diện tích khai thác trên 10 ha tại thôn Suối Nẩy, hộ gia đình ông Cao Văn Quân diện tích khai thác 1,52 ha tại thôn Bùi Trám, hộ gia đình ông Bùi Đức Luật và bà Hoàng Thị Mơ diện tích khai thác khoảng 2 ha tại thôn Suối Nẩy.

Ông Cao Văn Quân, chủ một mỏ đất tại thôn Bùi Trám khẳng định, ngoài các mỏ đất đã được UBND tỉnh Hoà Bình cấp phép khai thác đất san, lấp. Trên địa bàn gần đây, còn xuất hiện một số mỏ đất  “thổ phỉ”, họ “xúc trộm” bừa bãi, “cướp đường” khi chạy xe, xe vào mỏ thì phóng thật nhanh, xe ra thì rơi vãi đất cát, đường không được tưới nước… dẫn đến người dân bức xúc, nhiều lần chặn đường không cho xe chạy, ảnh hưởng đến hoạt động của cả các đơn vị được phép khai thác khác.

Tại quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 của UBND tỉnh Hoà Bình quy định về việc quản lý, cấp phép khai thác đất san, lấp khi cải tạo mặt bằng thể hiện rất chi tiết: Các đơn vị, cá nhân và hộ gia đình được cấp phép khai thác đất san, lấp trước khi khái thác phải tiến hành cắm mốc ranh giới khu vực thi công và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để giám sát việc khai thác theo quy định;… Thực hiện đúng quy trình khai thác và các biện pháp bảo vệ môi trường;… Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực khai thác… Hoạt động khai thác chỉ được tiến hành sau khi thông báo kế hoạch khai thác tại UBND cấp xã, UBND cấp huyện và đăng ký nhà nước Giấy phép tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Việc khai thác đất đã diễn ra trên địa bàn nhiều tháng nay, không chỉ tại các điểm đã được cấp phép mà còn xuất hiện tại nhiều mỏ đất “thổ phỉ” – “ăn cắp” tài nguyên khoáng sản, huỷ hoại môi trường. Tuy nhiên, khi được hỏi về hoạt động kiểm tra, giám sát của UBND xã, Chủ tịch UBND xã Hoà Sơn thản nhiên cho biết, hiện các mỏ khai thác đất trên địa bàn đều chưa có thông báo về kế hoạch khai thác tới UBND xã. Đồng thời, do mỏng về lực lượng, nên UBND xã cũng chưa tổ chức kiểm tra được hiện trạng hoạt động cũng  như việc chấp hành quy đinh chung đối với các mỏ.

Cần giải pháp quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh Hoà Bình

Như vậy, ngoài khai thác đá, việc liên tục cấp phép bổ sung mới các điểm mỏ khai thác đất và việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương dẫn đến nạn khai thác đất “thổ phỉ” xuất  hiện đã đặt môi trường và đường xá tại khu vực khai thác mỏ tại xã Hoà Sơn và trên tuyền đường vận chuyển đất, đá từ các mỏ ra quốc lộ 21 trước áp lực ngày một lớn.

Nhân dân đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp HĐND cấp xã, các lần tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh (lần gần nhất là ngày 26/8/2016). Nhưng thực trạng tại địa phương không những không được cải thiện mà ngày một xấu đi, dẫn đến những bức xúc kéo dài và lớn dần trong nhân dân.

Đặc biệt, trong thời gian tới khi các mỏ đất thực hiện tăng cường khai thác nhằm phục vụ nhu cầu rất lớn của dự án Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, khối lượng khai thác đất, đá cũng như lưu lượng xe chạy qua tuyến đường sẽ không ngừng tăng. Chắc chắn môi trường và đường xá tại Hoà Sơn sẽ bị “hành hạ” ngày một nghiêm trọng hơn nếu các cấp, ngành của tỉnh Hoà Bình không có giải pháp toàn diện và chỉ đạo, hành động quyết liệt để trả lại môi trường trong sạch, đường đi thuận lợi cho người dân khu vực.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Dương Tú