THCL “Tra tấn” người dân suốt ngày đêm, tàn phá đường xá, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ tai nạn giao thông, mất an ninh khu vực,... Hoạt động khai thác và vận chuyển đá, đất của Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Quang Long và Công ty CP Sông Đà 11 tại núi Voi, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, đời sống và sản xuất của người dân 4 thôn (Suối Nẩy, Bùi Trám, Tân Sơn và Phố Thổ) trong nhiều năm qua.

Bãi đá tại mỏ núi Voi, thôn Suối Nẩy, xã Hoà Sơn

Chính quyền thừa nhận sai phạm của các mỏ đá:

Theo quy định, các mỏ đá khi vận hành phải tuân thủ nghiêm túc thiết kế mỏ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quy trình - quy phạm kỹ thuật an toàn trong khai thác và triển khai đầy đủ các giải pháp xử lý môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Lương Sơn khẳng định: Quy định là vậy, nhưng qua các lần thanh kiểm tra hoặc từ thực tế quan sát, cả 2 công ty nói trên đều tồn tại nhiều sai phạm trong vận hành khai thác mỏ cũng như việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp không thực hiện việc cắt tầng trong khai thác,… không phun sương, không có bể lắng, hệ thống thu gom nước thải không đảm bảo,…


Bảng công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường có lẽ chỉ để làm “cảnh”?

Về sức “tàn phá” của 2 mỏ đối với môi trường và đời sống nhân dân, ông Thắng cho biết, “chúng tôi đồng tình với phản ánh” của báo Thương hiệu & Công luận. Nhân dân cũng đã nhiều lần kiến nghị về những bất cập trong hoạt động của 2 mỏ  lên huyện. Không chỉ vậy, nhiều khi các hộ dân còn tự đứng ra tổ chức bỏ đá lên đường để chặn xe doanh nghiệp yêu cầu giải quyết những vấn đề gây bức xúc cho người dân.

Theo kế hoạch, đến trước ngày 2/10/2016, Phòng TN&MT sẽ phối hợp cùng UBND xã kiểm tra, rà soát các tồn tại gây bất bình trong nhân dân của 2 mỏ theo phản ánh để báo cáo, tham mưu UBND Huyện xin chủ trương và hướng giải quyết, xử lý.

Dân đòi trả lại môi trường và mặt đường:

Quá bức xúc trước sức “tàn phá” gây ra từ hoạt động khai thác và vận chuyển của các mỏ đá tại núi Voi, ngày 24/9/2016, người dân thôn Tân Sơn (cách mỏ Đá khoảng 3km) đã thêm một lần nữa tổ chức họp thôn với sự có mặt của đại diện 35 hộ dân để yêu cầu Công ty XD&TM Quang Long và Công ty Sông Đà 11 phải trả lại môi trường và mặt đường cho dân.

Trong đơn, các hộ dân phản đối: “Đã nhiều năm nay, các công ty khai thác đất đá đi qua lại trên đoạn đường dân sinh của thôn làm phá hỏng bề mặt đoạn đường, tạo thành hố voi, ổ gà rất to trên bề mặt, trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội,… Khói bụi quá lớn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân sinh sống trên đoạn đường, ảnh hưởng đến sức khoẻ và thay đổi môi trường sống…, làm mất an toàn giao thông, các cháu nhỏ đi học gặp rất nhiều khó khăn vì mặt đường bị phá hỏng, trời mưa không đi lại được, trời nắng thì bụi không nhìn thấy đường đi… Đề nghị các công ty trả lại mặt đường để cho dân sinh sống, đảm bảo an toàn giao thông và môi trường sống, không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.”


“Ấn tượng” một con đường tại xã Nông thôn mới.

Ông Vũ Ngọc Động, nguyên Trưởng thôn Tân Sơn phản ánh, khi đi vào hoạt động các mỏ đá đã hứa làm đường cho dân, nhưng đến nay, đã 8 năm trôi qua thì cũng là ngần ấy năm người dân phải sống chung với rất nhiều bất cập do mỏ đá đem lại. Gần đây, họ quá quắt quá, người dân bức xúc nên ra chặn xe nhiều lần, dẫn đến xảy ra xô sát, chủ mỏ lôi cả “đầu gấu” vào để tổ chức đánh dân làm mất an ninh trật tự và nguy hại đến tính mạng người dân khu vực.

Hoà Sơn đã là xã Nông thôn mới, nhưng vẫn còn có con đường dân sinh như con đường “kinh hoàng” nói trên thì thật là kỳ lạ?! Bà con cho biết, nếu không có các doanh nghiệp này, thì chúng tôi đã có đường bê tông sạch đẹp đi từ lâu lắm rồi, không phải khổ sở, vất vả như hôm nay. Kể từ ngày các doanh nghiệp về đây khai thác đá, con đường này dương như là của họ?!... không có cấp chính quyền nào quản lý thì phải?! Họp HĐND, chúng tôi từng kiến nghị, nếu xã Hoà Sơn không quản lý, thì hãy giao về cho các thôn quản lý?

Cần có giải pháp mạnh:

Nhiều năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyên Lương Sơn nói riêng cũng như tỉnh Hoà Binh nói chung còn rất nhiều tồn tại, đặc biệt là việc vi phạm các quy định liên quan và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường của các mỏ khai thác đá. Thực trạng này đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan quản lý của Hoà Binh cần phải vào cuộc xử lý kiên quyết, dứt điểm, tránh tình trạng vi phạm, gây ảnh hưởng kéo dài tại các mỏ.

Mỏ đá núi Voi nằm ngay sát dân cư (thôn Suối Nẩy), con đường chuyên chở vật liệu từ mỏ đá ra Quốc lộ 21 lại là con đường dân sinh kéo rất dài (gần 5km) chạy qua địa bàn 4 thôn trong xã. Vì vậy, kể cả khi con đường nói trên được bê tông hoá, thì sức “tàn phá” của việc khai thác và vận chuyển vật liệu từ các mỏ đối với môi trường, đời sống, an toàn của nhân dân khu vực sẽ vẫn rất “khủng khiếp”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nói trên không tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan của pháp luật trong khai thác và vận chuyển đá đất nhiều năm qua, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc kéo dài trong nhân dân.

Nên chăng, tỉnh Hoà Bình cần kiên quyết đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác đá tại khu vực núi Voi? Hoặc di chuyển quyền khai thác của các doanh nghiệp nói trên tới khu vực thích hợp khác, nằm xa khu dân cư. Qua đó, khôi phục và trả lại môi trường trong sạch, đường đi thuận lợi – an toàn cho bà con nhân dân xã Hoà Sơn.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Dương Tú