Chi phí, giá thành sản phẩm liên tục tăng
Chị Mai Phương chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị điện tại xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, TP. Hải phòng cho biết, từ đầu tháng Năm đến đến nay chị phải trầy trật để xoay đồng vốn nhập trữ hàng trước 3 đợt tăng giá các loại vật liệu xây dựng.
Mới đây chị Mai Phương lại được nhận thông báo từ nhà phân phối thiết bị điện cho công trình với nội dung: Đầu tháng Sáu, giá tất cả thiết bị điện như ổ cắm, công tắc điện, ống luồn... tăng 5 - 7%.
Trước đó, từ đầu tháng Năm, khối các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam, gồm: Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn cũng quyết định điều chỉnh tăng giá bán. Cụ thể, từ ngày 10/05, Vicem Bỉm Sơn đã có thông báo điều chỉnh giá bán xi măng bao rời tăng 70.000 đồng/tấn. Giá xuất khẩu xi măng và clinker cũng tăng 95.000 đồng/tấn.
Theo bảng giá mới nhất tại Hải Phòng, giá vật liệu xây dựng, thiết bị điện như: Xi măng Hải Phòng, xi măng Hà Nam, đồng tăng giá 5.000 - 10.000 đồng/bao. Ngoài xi măng, các loại vật liệu xây dựng khác như cát vàng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/m3; gạch nung tăng khoảng 500 đồng/viên; các loại đá xây dựng như đá đen, đá xanh, sỏi xây dựng tăng khoảng 10.000 đồng/m3. Các thiết bị điện của Panasonic như ổ cắm, công tắc điện, ống luồn... đồng loạt tăng giá 5-7% từ ngày 01/06.
Theo chị Mai Phương, hiện nay các công ty thông báo trong vòng 3 đến 5 ngày trước khi tăng giá. Hộ kinh doanh đau đầu vì xoay tiền để nhập hàng, trong khi buôn bán ngày một ế ẩm mà thu công nợ cũng không được. "Khó là mình đã nhận tiền cọc của thầu thợ trước đó do đã quen biết làm ăn lâu năm, nếu không nhập hàng để bán theo giá cũ coi như mất mối làm ăn và còn ảnh hưởng đến uy tín. Chưa kể mình phải cạnh tranh giá với những cửa hàng kinh doanh khác”, chị Mai Phương bộc bạch.
Theo đa số chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, thiết bị điện tại Hải Phòng thì, nguyên nhân tăng giá hầu hết các loại vật liệu theo như thông báo của các công ty là do xăng tăng giá đẩy giá vận chuyển tăng cao nên các công ty phải điều chỉnh giá tăng theo. Thứ hai cát xây dựng tăng do nguồn khai thác cát tại các tỉnh đang gặp hạn chế. Còn theo các nhà máy sản xuất báo xi măng tăng giá do nguồn nguyên liệu đang bị thiếu hụt.
Tác động dây chuyền
Qua thống kê cho thấy, giá xi măng từ cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng nhẹ (4 - 6%) do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt nguồn cung than đá khan hiếm, giá than tăng, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng. Từ tháng 3/2022 đến nay cơ bản giữ ổn định với mức giá khoảng 1.200 - 2.900 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với quý IV/2021 và tăng khoảng 18% so với quý IV/2020.
Đối với nhựa đường, đây là loại mặt hàng nhập khẩu, có độ nhạy cao đối với biến động xăng dầu, biến động của dầu thô trên thế giới và tỷ giá ngoại tệ trên đồng Việt Nam. Đặc biệt, từ đầu thời điểm quý IV/2021 đến nay, giá xăng dầu trên thế giới có biến động tăng mạnh nên tác động làm tăng giá nhựa đường nhập khẩu trong nước.
Qua thống kê sơ bộ, tháng 05/2022, giá nhựa đường các loại tăng từ 800 - 1.000 đồng/kg so với tháng 04/2022 hiện có giá trung bình khoảng 17.000 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với quý IV/2021 và tăng khoảng 30% so với quý IV/2020. Đây là thời điểm nhựa đường có giá cao nhất trong vòng 05 năm qua và dự báo tiếp tục tăng theo mức tăng giá xăng dầu thế giới trong năm 2022.
Các loại vật liệu khai thác (đất, đá, cát), nhìn chung không có sự biến động nhiều do tình trạng khan hiếm nguồn cung đã kịp thời được giải quyết cơ bản. Tuy nhiên từ tháng 3/2022 đã có sự điều chỉnh tăng giá do giá xăng, dầu tăng tác động đến các chi phí khai thác, vận chuyển các loại vật liệu này. Trong thời gian tới, do giá nhiên liệu đặc biệt là xăng dầu đang tăng cao, vì vậy sẽ tiếp tục có sự tăng giá đối với các loại vật liệu này.
Dự báo trong các tháng tiếp theo trong năm 2022, giá thị trường vật liệu xây dựng vẫn có nhiều biến động nhất là một số mặt hàng bị ảnh hưởng bởi thị trường nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như thép, nhựa đường và các vật liệu khai thác cát, đá, đất đắp.
Năm 2022 dự kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, đáng kể nhất là tuyến cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến đường vành đai… tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng thời dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt khiến các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn, dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây dựng thép, xi măng, cát, đá... tiêu thụ mạnh.
Trong khi đó, các loại vật liệu khai thác cát, đá, đất đắp vẫn tiếp tục vướng mắc về nguồn cung vật liệu (do nhu cầu tăng) để đáp ứng triển khai tiến độ xây dựng các dự án giao thông đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020 và giai đoạn 2021 – 2025, các dự án đường bộ cao tốc khác kết nối các địa phương tại khu vực (đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc ...).
Trong báo cáo mới đây gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về mặt nghiệp vụ khảo sát thu thập số liệu, cách thức xác định giá vật liệu, thiết bị công trình.
Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cần tổng hợp danh mục vật liệu xây dựng theo yêu cầu kỹ thuật của công trình giao thông, đặc biệt là các vật liệu sử dụng làm đường cao tốc gửi các địa phương có cơ sở thực hiện xác định, công bố giá cho phù hợp với đặc thù sử dụng vật liệu của công trình giao thông.
Cần tránh "cú sốc" tăng giá
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực tài chính nêu quan điểm, việc giảm giá xăng, dầu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Như góp phần giảm chi phí của doanh nghiệp, giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy cạnh tranh và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
"Khi tích lũy nền kinh tế tăng lên, chúng ta có thể thu được thuế thông qua việc tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc giảm thuế để giảm giá xăng, dầu là một giải pháp, còn việc giảm mức nào, cần tính toán kỹ lưỡng", Bộ trưởng cho hay. Nhiều chuyên gia về kinh tế nhận định, thị trường xăng, dầu thế giới vẫn còn nhiều bất ổn như áp lực lạm phát thế giới, cuộc xung đột Nga - Ukraine có khả năng kéo dài, đi kèm với những biện pháp trừng phạt sẽ khiến giá dầu vẫn có khả năng tăng cao.
Theo ông Đinh Ngọc Tuấn, Công ty TNHH kiểm toán định giá và tư vấn tài chính (Facom) thì, giá xăng, dầu là một vấn đề "thời sự" khi gây ra lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp quyết liệt thì mặt bằng giá cả hàng hóa khác cũng sẽ "ăn theo", gây ra hiệu ứng dây chuyền.
"Việc xăng dầu tăng liên tiếp sẽ ảnh hưởng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động tăng giá trong nền kinh tế. Chính phủ cần xem xét, có các giải pháp linh hoạt và kịp thời trong việc điều tiết giá nhằm hỗ trợ đầu vào doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng người dân trong thời gian này”, ông Đinh Ngọc Tuấn chia sẻ.
Hoàng Thăng