Dữ liệu từ McKinsey & Company thể hiện, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo đóng góp tới 50% vào tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu trong thập kỷ tới, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới.

Ảnh internet
M&A trong lĩnh vực logistics sẽ sôi động trong thời gian tới. Ảnh internet.

“Thông qua việc bổ sung thêm LF Logistics, Maersk sở hữu khả năng vượt trội để phục vụ các thị trường tiêu dùng trọng điểm và đang phát triển nhanh ở khu vực Châu Á. Hơn nữa, chuyên môn của LF Logistics trong việc thực hiện đơn hàng đa kênh giúp chúng tôi có vị thế tốt trong thị trường thương mại điện tử toàn cầu,” ông Blicher nói.

Với hơn 30 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Maersk xem việc sáp nhập với LF Logistics (có trụ sở tại Hồng Kông) là một động thái quan trọng nhằm tăng cường các giải pháp hậu cần đầu cuối giữa Việt Nam và thế giới.

Maersk và LF Logistics đặt mục tiêu đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng thông qua mạng lưới logistics toàn cầu vững mạnh với năng lực lưu kho, phân phối và cung ứng toàn diện được tối ưu hóa dữ liệu và hỗ trợ bởi công nghệ.

Việt Nam được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 39 về Chỉ số Hiệu suất hậu cần (2018), cao hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Theo xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu.

M&A trong lĩnh vực logistics sẽ sôi động trong thời gian tới. Ảnh internet
M&A trong lĩnh vực logistics sẽ sôi động trong thời gian tới. Ảnh internet.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành logicstics tại Việt Nam thời gian qua đạt 14-16%/năm, với quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2022 - 2023 của thị trường logistics Việt Nam dự báo đạt 5,5%/năm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng khẳng định, Việt Nam đang đứng trước vô vàn cơ hội phát triển các dịch vụ logistics.

Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh việc huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua việc chuyển nhượng quyền khai thác một số dự án, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư với các thương vụ ước tính lên tới hàng tỷ USD.

Năm ngoái, Tập đoàn logistics toàn cầu Kuehne + Nagel (có trụ sở chính tại Thụy Sỹ và hoạt động tại Việt hơn 25 năm) đã ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD mua lại Apex International Corporation, một trong những công ty giao nhận hàng hóa hàng đầu Châu Á. Apex International trực thuộc MBK Partners, có công ty liên quan đang hoạt động tại Việt Nam là Apex Logistics.

Trước đó, đã diễn ra một số thương vụ M&A đáng chú ý, như: ITL Corp tăng sở hữu lên gần 97% tại Sotrans Group - công ty hoạt động trong lĩnh vực kho bãi, cảng biển và vận chuyển hàng hóa quốc tế (năm 2020); Tập đoàn Sumitomo cùng Công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công - tư của Nhật Bản đã chi 37 triệu USD để mua 10% vốn tại Gemadept JSC (năm 2019); Mapletree Logistics Trust đã chi hơn 31 triệu USD để mua lại các kho hàng thuộc Unilever (2018)...

Hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp trong nước và 25 tập đoàn giao nhận toàn cầu dưới nhiều hình thức kinh doanh tại thị trường logistics của Việt Nam. Trong số này, hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động trên thị trường quốc tế với 69 trung tâm logistics quy mô lớn và vừa. Có 30 nhà cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, như: DHL, FedEx, Maersk, Apple, KMTC Logistics...

Vân Quỳnh (t/h)