‘Made in China 2025’ là trở ngại giải quyết Chiến tranh thương mại? - Hình 1

Mỹ cho rằng, kế hoạch Made in China 2025 do chính phủ Trung Quốc ủng hộ đang trở thành trở ngại đối với việc giải quyết cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

Đến thời điểm này, cả hai bên Trung Quốc và Mỹ đều đã xác nhận sẽ có cuộc gặp gỡ Tập Cận Bình – Donald Trump tại Buenos Aires bên lề Hội nghị G20 từ ngày 30.11. Nhưng phía Mỹ tỏ ý không lạc quan về cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo có thể giành được kết quả mang tính đột phá.

Trong cuộc chiến mậu dịch đang diễn ra, do kinh tế Mỹ đang có xu thế tăng trưởng mạnh nên phía Mỹ vẫn tràn đầy lạc quan. Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow nhiều lần bày tỏ: “Chúng ta đang chiếm ưu thế về kinh tế”. Quý 3 năm nay, kinh tế Trung Quốc đã ở vào tình trạng tăng trưởng chậm nhất trong nhiều năm qua nhưng Trung Quốc vẫn không hề có dấu hiệu nhượng bộ. Hãng Bloomberg hôm 28.10 đã đăng bài cho rằng: “Made in China 2025” là một trong số những trở ngại chính cản trở việc giải quyết cục diện căng thẳng của chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Bài báo cho rằng, các quan chức Trung Quốc đang chơi trò trì hoãn thời gian. Tuy họ cố ý làm giảm bớt tầm quan trọng của kế hoạch “Made in China 2025” và bày tỏ muốn mở cửa thị trường với các công ty nước ngoài, nhưng họ không hề có ý muốn từ bỏ kế hoạch đó.

‘Made in China 2025’ là trở ngại giải quyết Chiến tranh thương mại? - Hình 2

Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu tại Học viện Hudson đã lần đầu tiên nói rõ về chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ bao trùm mọi lĩnh vực mậu dịch, quân sự, nhân quyền và cả việc Trung Quốc can dự vào nền chính trị Mỹ. 

Sách Xanh để lộ dã tâm của kế hoạch “Made in China 2025” 

Kế hoạch “Made in China 2025” bao phủ toàn bộ các ngành nghề có tính kỹ thuật, từ người máy, xe hơi năng lượng mới tới hàng không, không gian. Bloomberg khẳng định, điều này đã bộc lộ rõ qua một tài liệu của Trung Quốc nhan đề Phác đồ đường lối công nghệ chủ yếu của “Made in China 2025”. Cuốn Sách Xanh này đã phân tích hàng chục ngành nghề, đưa ra mục tiêu phát triển của hàng chục lĩnh vực trọng điểm, trong đó bao gồm: công nghệ sinh học, thiết bị giao thông đường sắt tiên tiến, thiết bị nông nghiệp…

Sách Xanh tiết lộ, tới 2025, trong ngành sản xuất mạch IC, các công ty Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh 25% thị phần toàn cầu, thỏa mãn 80% nhu cầu trong nước. Về xe hơi năng lượng mới, đến 2025 đáp ứng 90% nhu cầu trong nước, cơ giới hóa nông nghiệp đáp ứng 95% nhu cầu, thiết bị thông tin di động tự đáp ứng 80% nhu cầu, người máy công nghiệp tự đáp ứng 70% nhu cầu, về máy bay thông dụng cũng tự đáp ứng được 40% nhu cầu trong nước.

Ủy ban Mậu dịch toàn quốc Mỹ - Trung (US China Business Council, USCBC) cho rằng, do kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc nên các công ty nước ngoài, bao gồm sản xuất thiết bị y tế và nông nghiệp (của Mỹ) sẽ bị mất một phần nghiệp vụ ở Trung Quốc. Ông Jakob Parker, Phó chủ tịch USCBC nói: “Chính phủ Trung Quốc có thể nói đó chỉ là văn kiện có tính chỉ đạo. Nhưng chúng tôi cho rằng đó là những mục tiêu được xác định để thực thi. Dự tính tương lai sẽ có thêm nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc bị loại bỏ khỏi quy trình thu mua sản phẩm hoặc các dự án đấu thầu của các bộ, ngành chính phủ Trung Quốc”.

“Made in China 2025” và các biện pháp cạnh tranh không công bằng

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khi đề cập đến kế hoạch “Made in China 2025” đã nói: “Chớ nên xem nhẹ kế hoạch này! Nó có tầm cạnh tranh cấp quốc gia trong các ngành nghề tương ứng”.

Ông Robert Lighthizer cho rằng, Trung Quốc muốn thay thế Mỹ để trở thành trung tâm công nghệ của thế giới. Nếu họ cạnh tranh công bằng với các quốc gia khác trong các ngành nghề này thì không có vấn đề gì. Nhưng họ dùng các thủ đoạn như trợ cấp 300 tỷ USD, hạn chế bên ngoài thâm nhập thị trường và cưỡng bức chuyển nhượng kỹ thuật, hy sinh lợi ích các quốc gia khác thì lại là chuyện khác.

‘Made in China 2025’ là trở ngại giải quyết Chiến tranh thương mại? - Hình 3

Ông Ed Yarderni cho rằng, Mỹ có vốn liếng hùng hậu để đánh thắng cuộc chiến tranh thương mại, đồng thời không đem lại quá nhiều thiệt hại trong nước.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 4.10 khi phát biểu về quan hệ Mỹ - Trung tại Học viện Hudson cũng nhắc đến kế hoạch “Made in China 2025”  của Trung Quốc. Ông nói, mục tiêu của kế hoạch này là khống chế trên 90% các ngành nghề chế tạo tiên tiến nhất thế giới. Bao gồm, công nghệ người máy, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Để giành được quyền khống chế kinh tế thế giới trong Thế kỷ 21, Bắc Kinh đã chỉ thị bộ máy quan liêu và các công ty Trung Quốc “dùng bất kể phương thức gì” để lấy được bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Đồng thời, Bắc Kinh đang yêu cầu nhiều công ty Mỹ trao bí mật thương mại cho họ, lấy đó làm điều kiện để các công ty này được làm ăn tại Trung Quốc.

Bloomberg cho rằng, kế hoạch “Made in China 2025” đã thay đổi quan hệ kinh tế với Mỹ, hiện vẫn đang là vấn đề nóng bỏng. Ông Timothy Stratford, cựu trợ lý Đại diện thương mại Mỹ, đại diện đối tác tại văn phòng Bắc Kinh của Covington&Burling LLP bày tỏ, kế hoạch “Made in China 2025” đã thể hiện rõ họ (Trung Quốc) thực sự quan tâm điều gì.

Còn cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow thì nói: “Họ (Trung Quốc) là những người giao dịch không công bằng, là thương gia phi pháp. Họ đã lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta... Trung Quốc không có bất cứ sự đáp ứng tích cực nào trước mọi yêu cầu của chúng ta”. Theo ông, Mỹ hy vọng thông qua thuế quan để hạ thấp sự chênh lệch rất lớn trong cán cân mậu dịch song phương và buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi mậu dịch không công bằng, hàng rào phi thuế quan, cơ chế phi thị trường và cả số tiền trợ cấp lớn từ chính phủ.

Ba ngón đòn của Donald Trump nhằm vào Trung Quốc

Tạp chí The Economist số mới đây đã đăng bài trên trang bìa nhan đề China vs America : The End of Engagement (Trung Quốc và Mỹ - Hôn ước chấm dứt), cho rằng ông Donald Trump đã áp dụng 3 đối sách hữu hiệu khiến Trung Quốc bấn loạn.

Bài báo viết, trong 25 năm qua, thái độ của Mỹ với Trung Quốc là bắt nguồn từ niềm tin vào Convergence (sự hội tụ), cho rằng sự hòa hợp về chính trị và kinh tế không chỉ làm Trung Quốc giàu có mà còn khiến họ trở nên mở cửa và gần gũi với các giá trị của phương Tây. Thế nhưng, giờ đây hai bên đã trở thành quan hệ cạnh tranh. Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ và kẻ phá hoại quy tắc. Đó không phải là quan điểm của Donald Trump hay đảng Cộng hòa, mà là nhận thức chung của các chính đảng, giới quân sự, ngoại giao và kinh doanh Mỹ từ những năm 1940.

Thứ nhất, làm nước Mỹ vĩ đại trở lại, coi trọng an ninh quốc gia

Việc đầu tiên Donald Trump làm sau khi lên nắm quyền là làm cho nước Mỹ trở nên hùng mạnh. Ngoài việc gia tăng thẩm tra các chính sách với Trung Quốc, ông còn chọn lấy an ninh quốc gia làm trọng tâm để xem xét. Ví dụ, dẫn độ quan chức tình báo của Trung Quốc từ Bỉ về Mỹ, gia tăng chi phí quốc phòng và ngân sách viện trợ cho nước ngoài, đối phó với việc Trung Quốc trục lợi ở nước ngoài.

Đáng chú ý là, trước khi khởi động cuộc chiến thuế quan với đối tác mậu dịch chủ yếu, Donald Trump đã thực hiện giảm thuế và nới lỏng quy định trong nước để chấn hưng kinh tế trong nước. “Điều này làm cho nước Mỹ có vốn liếng hùng hậu để đánh thắng cuộc chiến tranh thương mại, đồng thời không đem lại quá nhiều thiệt hại trong nước” – Ông Ed Yardeni, ông chủ Công ty cố vấn về sách lược đầu tư và tài sản toàn cầu Yardeni Research đã bày tỏ trong bài viết đăng trên trang web Market Watch chuyên về thông tin kinh tế - tài chính.

Thị trường chứng khoán thường là hàn thử biểu của tình trạng kinh tế, thể hiện tập trung các loại thông tin và dự báo tâm lý. Ông Yardeni trước nay đã nhiều lần dự đoán chuẩn xác xu thế của thị trường chứng khoán và kinh tế Mỹ. Ông cho rằng, cho đến nay, biểu hiện của thị trường chứng khoán Mỹ có vẻ đứng về phía ông Donald Trump.

Các nhà đầu tư cho rằng, kinh tế Mỹ đang mạnh, thuế quan chỉ là công cụ để ông Trump khởi động đàm phán mậu dịch. Nếu chế tài mậu dịch của ông hiệu quả thì Mỹ sẽ thắng trong cuộc chiến tranh thương mại hiện nay. Yardeni nói, ông tin rằng cuối cùng Donald Trump sẽ thắng và thúc đẩy toàn cầu bỏ dần các biện pháp bảo hộ mậu dịch, có lợi cho sự thịnh vượng của nền kinh tế thế giới.

Ông Trump đã có các biện pháp tỏ ra muốn giảm bớt mức độ xung đột mậu dịch với các đối tác. Ví dụ, thuế về thép, nhôm gây nên sự bất bình của các đồng minh EU, Nhật, Canada. Nhưng thông qua thương lượng, Mỹ đã tiến hành đàm phán chính thức về khu vực mậu dịch tự do với EU và Nhật. Còn với Mexico và Canada ông còn tiến xa hơn khi đạt được Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ mới.

Tóm lại, quyền chủ động về chiến tranh thương mại đang nằm trong tay Donald Trump, ông có thể tăng hay hạ nhiệt cuộc chiến. Nhưng tiêu chuẩn hạ xuống là đối tác mậu dịch phải quay trở lại với mối quan hệ bình thường công bằng và cùng có lợi.

Trong khi đó, cả thị trường chứng khoán và đồng Nhân dân tệ năm nay đều bị thiệt hại nặng. Theo thống kê của công ty số liệu tiền tệ Mỹ FactSet, tính đến ngày 19.10, chỉ số SSE Composite Index của sàn chứng khoán Thượng Hải trong năm nay đã giảm gần 23%. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ thì từ trung tuần tháng 6 đến nay, tỷ lệ hối suất của đồng NDT so vởi USD đã giảm hơn 7%.

‘Made in China 2025’ là trở ngại giải quyết Chiến tranh thương mại? - Hình 4

Cách hành xử thẳng thừng, công khai mọi vấn đề của ông Trump khiến Trung Quốc bối rối.

Thứ hai, thức tỉnh các nước, hạ thấp ảo tưởng đối với Trung Quốc

Việc thứ hai mà ông Trump làm là nhắc nhở các nước cần phải điều chỉnh sự kỳ vọng đối với Trung Quốc. Hôm 4.10, Phó Tổng thống Mike Pence khi phát biểu tại Học viện Hudson đã lần đầu tiên nói rõ về chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ bao trùm mọi lĩnh vực mậu dịch, quân sự, nhân quyền và cả việc can dự vào nền chính trị Mỹ của Trung Quốc.  

The Economist viết, ông Trump đã “đánh thức các nước”: cơ chế mậu dịch hiện hành không thể ngăn cản được hành vi của các công ty quốc doanh của Trung Quốc; cho rằng các công ty này đi ở khu vực giữa lợi ích thương mại và lợi ích quốc gia, nhận tiền trợ cấp và sự bảo vệ của chính phủ, nhưng lại thu mua các công nghệ lưỡng dụng ở nước ngoài hoặc làm biến dạng thị trường quốc tế.

Ngoài ra, Trung Quốc còn dùng ảnh hưởng thương mại để gây ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao. Điều này khiến các chính phủ phương Tây cảnh giác với việc Trung Quốc dùng tiền để thâm nhập vào các chính đảng, viện nghiên cứu và các trường đại học, yêu cầu các cơ quan này tăng cường minh bạch hóa việc sử dụng tiền vốn của Trung Quốc.

Giới bình luận bên ngoài cho rằng, sau hơn 1 năm lên cầm quyền, hai bên Trung – Mỹ thường xuyên ứng xử với nhau bằng tư thế đối lập và những ngôn từ đối thoại gay gắt. Dù là trong các văn bản báo cáo về Trung Quốc của Nhà Trắng, diễn văn hay tranh luận tại các tổ chức quốc tế, Mỹ thường chỉ trích cách làm “đổi trắng thay đen”của Trung Quốc. Dưới sự dẫn dắt của Mỹ, EU đã đề ra một kế hoạch về chính sách ngoại giao đối phó với chiến lược “vành đai - con đường” của Trung Quốc. Đồng thời hơn chục quốc gia (không bao gồm Mỹ và Trung Quốc) đã tính chuyện họp bàn về việc cải cách WTO.

Hôm 1.10, Trung tâm nghiên cứu thăm dò The Pew Research Center của Mỹ công bố kết quả một cuộc nghiên cứu mở rộng ra ngoài phạm vi Mỹ cho thấy: có tới 63% người được hỏi cho rằng Mỹ đang giữ vai trò lãnh đạo thế giới. Chỉ có 19% cho rằng Trung Quốc lãnh đạo thế giới. Số người Mỹ có “thiện cảm” với Trung Quốc từ 44% năm ngoái hiện đã giảm xuống còn 38%.

Thứ ba, thẳng thừng đối kháng cứng rắn, nói là làm

Thái độ cứng rắn và những cú ra đòn mạnh mẽ về mậu dịch của ông Trump đã khiến Bắc Kinh bấn loạn. Họ vốn chỉ mong Mỹ sẽ yên với hiện trạng, không nghĩ đến thay đổi.

The Economist cho rằng, xem ra Donald Trump không hài lòng với cách làm cũ: “Ông không hàm súc, thậm chí có lúc khiến người ta khó nắm bắt. Nhưng như việc đàm phán mậu dịch với Mexico và Canada, phát biểu cứng rắn của ông lại đạt được kết quả”.

‘Made in China 2025’ là trở ngại giải quyết Chiến tranh thương mại? - Hình 5

Ông Hoàng Hà cho rằng Trung Quốc hiện đang trì hoãn thể hiện sự bị động.

Tờ The Washington Post hôm 24.10 cũng đăng bài chỉ rõ: phương thức phê phán mạnh mẽ, công khai của Donald Trump khiến các quan chức Bắc Kinh xưa nay chỉ quen đàm phán kín trở nên rất khó xử. Báo này còn viết, Trung Quốc đã mất mấy chục năm để xây dựng nên mối quan hệ với giới quản lý công ty cao cấp và các quan chức chính phủ về hưu. Nhưng hiện nay họ bỗng phát hiện ra Nhà Trắng dưới thời Donald Trump không còn được quyền uy như trước.

Hoàng Hà, một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc nói: “giới quyết sách bi quan hơn mọi người nghĩ. Có thể họ đã thực sự chuẩn bị cho việc tự lực cánh sinh hoặc bế quan tỏa cảng một phần”. Ông cho rằng, Bắc Kinh căn bản không nghĩ đến chuyện ông Trump “nói là làm”, cái gì cũng phơi ra ánh sáng, nên những thủ pháp họ sử dụng trước đây đều vô hiệu đối với Donald Trump.

Theo The Washington Post, Hoàng Hà cho rằng: “Thực tế Trung Quốc đã có chút bấn loạn, không có chiến thuật gì, trì hoãn cũng là thể hiện sự bị động, không có kế hoạch rõ ràng. Dù là ứng phó với kinh tế trong nước hay xử lý chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc cũng đều bị động trì hoãn”.

Tới đây, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ sẽ đi về đâu? Mọi người đều quan tâm đến Hội nghị cấp cao G20 vào cuối tháng 11 tới. Đây sẽ là lần gặp gỡ đầu tiên của người lãnh đạo hai nước từ 1 năm nay. Nhưng hiện nay cả hai bên đều không thể hiện dấu hiệu hòa dịu trong xung đột mậu dịch. Hôm 25.10, một quan chức Nhà Trắng vẫn nói với báo chí: nếu Bắc Kinh không có đáp ứng cụ thể trước yêu cầu của phía Mỹ thì Mỹ vẫn sẽ cự tuyệt đàm phán với Trung Quốc.

‘Made in China 2025’ là trở ngại giải quyết Chiến tranh thương mại? - Hình 6

Quan chức Nhà Trắng nói Mỹ vẫn có thể cự tuyệt gặp gỡ cấp cao nếu Trung Quốc không có đáp ứng cụ thể trước yêu cầu của Mỹ.

Trong bài diễn văn hồi đầu tháng 10 của ông Mike Pence có nhắc đến việc Tổng thống Donald Trump đã nói rõ: trừ phi hai bên đạt được giao dịch công bằng và cùng có lợi, nếu không sẽ đánh thuế nhiều hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, “có thể sẽ nhiều gấp đôi hiện nay”.

Theo VietTimes