Mỏ vonfram Núi Pháo (thuộc MSR) từ lâu được biết đến không chỉ là mỏ đa kim lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc mà còn là hình mẫu về đầu tư công nghệ, tổ chức khai thác và chế biến khoáng sản bền vững. Đặc biệt, từ khi Núi Pháo thuộc sở hữu của MSR, hình mẫu về khai thác, chế biến sâu khoáng sản càng trở nên lý tưởng hơn.
Để tiến xa, MSR đã xây dựng một chiến lược dài hạn mang tầm quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu trở thành nhà sản xuất và cung cấp hóa chất vonfram hàng đầu thế giới. Và thực tế hiện nay, tất cả đều đang tiến triển theo đúng lộ trình phát triển mà MSR đề ra.
Theo khảo sát của giới chuyên môn, mỏ vonfram xuất hiện khá nhiều trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, ở Núi Pháo có những khác biệt riêng cả về khoáng hóa lẫn quy trình tổ chức sản xuất. Chính điều đó đã trở thành lực hút mạnh mẽ đối với các nhà khoa học, nhà chuyên môn và các đối tác đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Không khó để có thể chứng minh về điều này.
Đoàn công nghiệp mỏ luyện kim thăm Dự án Núi Pháo
Đầu tháng 3 vừa qua, Đoàn cán bộ khoa học gồm 12 thành viên của Viện Địa chất - Khoáng vật học, Phân viện Siberi (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) và Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã đến khảo sát địa chất và thu thập mẫu đá, quặng tại Núi Pháo nhằm phục vụ việc nghiên cứu.
Tại đây, các thành viên trong đoàn đều tỏ ra hứng thú, đồng thời có những nhận xét chuyên môn khá sâu sắc, tích cực. GS.TSKH Izokh Andrey, Viện Địa chất - Khoáng vật học, Phân viện Siberi, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, ông đã khảo sát rất nhiều mỏ, nhưng đây là lần đầu tiên được biết một mỏ có trữ lượng lớn như Núi Pháo.
Về mặt khoáng hóa, mỏ Núi Pháo có nhiều kim loại trên một thân quặng nhưng vonfram là chủ yếu. Đây là loại quặng phức tạp nên đòi hỏi kỹ thuật chế biến phải rất hiện đại. Ông khẳng định: Công nghệ, thiết bị hoạt động tại Núi Pháo hiện nay đều được xếp vào hàng tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới và được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia giỏi. Ông cho rằng, sản phẩm của Masan Tài Nguyên không phải chỉ là nguyên liệu khoáng sản mà là vật liệu thiết yếu phục vụ cho các ngành công nghiệp hiện đại.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Đoàn đặc trách về khai khoáng của APEC cũng đã có chuyến thăm MSR sau khi kết thúc phiên đối thoại công - tư về chính sách khai khoáng APEC 2017, nhằm tiếp cận những mô hình tiêu biểu về khai thác khoáng sản bền vững để chia sẻ kinh nghiệm trong khu vực.
Các thành viên trong đoàn đã có nhiều ý kiến đánh giá rất cao về công nghệ sản xuất hiện đại, quy trình quản lý mỏ, thực thi chính sách phát triển bền vững cho cộng đồng và sự tuân thủ nghiêm ngặt trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng... của mỏ Núi Pháo.
Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga thăm và làm việc tại mỏ Núi Pháo
Trên cơ sở những đánh giá của các đối tác đã từng đến mỏ Núi Pháo, có thể nói MSR đã đạt được 3 yếu tố cốt lõi: Thứ nhất, vận hành trên cơ sở kiến thức, năng lực nội địa; môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển bằng sự chủ động làm việc với cộng đồng địa phương. Thứ hai, tiếp cận vốn và dòng tiền để mua lại và phát triển các dự án giá trị, đảm bảo hiện thực hóa các giá trị lâu dài và bền vững của cổ đông. Thứ ba, xây dựng cơ chế giảm thiểu rủi ro của dự án.
Một dẫn chứng quan trọng nữa là vào tháng 8/2017, MSR đã được đón tiếp hơn 20 thành viên của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Các thành viên trong Đoàn tỏ ra ấn tượng trước sự đồ sộ, hiện đại của một nhà máy mang tầm cỡ quốc gia và khu vực cũng như cách thức làm việc chuyên nghiệp từ những khâu nhỏ nhất của đội ngũ chuyên gia, CB-CNV... trong toàn Công ty.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Kỹ sư địa chất, Trưởng đoàn bày tỏ: “Chúng tôi ấn tượng bởi sự khoa học, quy củ trong xây dựng, sắp xếp, tổ chức bộ máy điều hành và các công đoạn trong sản xuất. Tôi đã đi thăm quan khoảng 70 mỏ trong nước và quốc tế, nhưng cảm nhận ở Mỏ Núi Pháo có sự chuyên nghiệp mà rất ít mỏ có được, nếu tính riêng trong nước thì theo chủ quan của tôi là đứng đầu”.
Cùng với đó, thời gian qua, MSR đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Đặc biệt, trong đó có Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư xây dựng Công nghiệp Mỏ - Luyện kim, thuộc Viện Khoa học và công nghệ Mỏ - Luyện kim Việt Nam đến trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về thiết kế hồ thải quặng đuôi; các yêu cầu kỹ thuật phục vụ công tác thiết kế đập thải và hồ thải phù hợp với điều kiện Việt Nam; xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu kỹ thuật thiết kế đập thảo quặng đuôi.
Việc có nhiều đoàn cán bộ khoa học, đối tác trong nước và quốc tế đến Núi Pháo là minh chứng sống động về thực hành khai thác mỏ bền vững tại Việt Nam của MSR.
Sản phẩm bột kim loại công nghiệp của Công ty
Với lợi thế này, MSR hoàn toàn có thể chinh phục thị trường vonfram toàn cầu trong tương lai gần. Bởi thực tế hiện nay, các “ông lớn” trong làng vonfram thế giới là Nga, Trung Quốc đang có chiều hướng giảm sản lượng và mất dần thị trường.
Cụ thể, Trung Quốc - nước cung cấp 4/5 sản lượng vonfram toàn cầu - Chính phủ nước này đang đang sử dụng nhiều biện pháp mạnh tay, thậm chí yêu cầu đóng cửa mỏ, áp dụng hạn ngạch sản xuất, xuất khẩu vonfram vì các yếu tố môi trường. Bên cạnh đó, sản lượng vonfram từ Nga, Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đều giảm dù đang là thị trường tiêu thụ trên 50% lượng vonfram toàn cầu.
Với trữ lượng khoảng 83 triệu tấn, vòng đời ước tính là 20 năm, MSR đang chế biến và cung cấp ra thị trường các loại khoáng sản phục vụ ngành công nghiệp trọng điểm của thế giới, gồm Vonfram, Florit, Bismuth và Đồng. Với khả năng và hướng đi đúng đắn của mình, MSR kỳ vọng sẽ không chỉ là hình mẫu lý tưởng trong khai khoáng mà còn là thương hiệu hàng đầu trong thị trường vonfram thế giới.
Đoàn Huế