Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ghi nhận trong tuần trước (1/11 – 5/11), thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục được hỗ trợ bởi việc đáo hạn của các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 5/2021.

Không những vậy, một khối lượng lớn ngoại tệ còn được Ngân hàng Nhà nước mua lại từ các ngân hàng thương mại thông qua hình thức giao ngay trong tuần. Theo đại diện một số thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng, số tiền đồng đối ứng được đẩy ra thị trường lên tới gần 30.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, với ý chí tạo thêm điều kiện thanh khoản dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, phía nhà điều hành vẫn chưa thực hiện trung hòa nguồn tiền trong thời gian qua. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần trước tiếp tục xu hướng điều chỉnh giảm.

Xu hướng giảm kéo còn dài sang phiên đầu tuần này (8/11) khi chỉ có kỳ hạn qua đêm tăng nhẹ 0,01 điểm phần trăm, trong khi giảm 0,02 – 0,07 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại từ 1 tháng trở xuống. Cụ thể, qua đêm 0,66%; 1 tuần 0,75%; 2 tuần 0,85% và 1 tháng 1,10%.

Tại chiều ngược lại, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/10 bất ngờ ghi nhận mức tăng 8,72% so với cuối năm ngoái.

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, với khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng tín dụng mới được bổ sung cho nền kinh tế trong tháng 10 gần gấp đôi so với tháng 9, nền kinh tế sau giãn cách đã cho thấy sự hồi phục đáng kể.

Đồng thời, tính đến hết quý 3/2021, hầu hết các ngân hàng đều đạt giới hạn tăng trưởng tín dụng. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.

Như vậy, khi thanh khoản hệ thống dồi dào và tín dụng cũng được khơi thông, nhóm nghiên cứu tại SSI dự báo: “Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng”.

Quay lại dữ liệu tuần trước nhưng trên thị trường Trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu 9,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Tỷ lệ đăng ký và trúng thầu có sự cải thiện đáng kể so với tuần trước đó (lần lượt là 2.52 lần và 76%) nhờ có sự quay trở lại của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm. Mặt bằng lãi suất trúng thầu không thay đổi ở kỳ hạn 10 và 30 năm, tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 15 năm và giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 5 năm.

Hiện tại, Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1869 về việc điều chỉnh kế hoạch vay của Chính phủ trong năm 2021, trong đó giảm kế hoạch phát hành Trái phiếu Chính phủ và vay các nguồn trong nước xuống còn 463 nghìn tỷ đồng (giảm 12,2% so với kế hoạch ban đầu). Nguồn cung trái phiếu trong thời gian còn lại của năm, mặc dù sẽ được cải thiện nhờ giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh nhưng không nhiều như kế hoạch đặt ra trước đó (vay gần 120 tỷ đồng trong 2 tháng).

“Nhu cầu đầu tư Trái phiếu Chính dự báo sẽ yếu hơn trong môi trường lợi suất thấp như hiện nay, và thanh khoản bớt dồi dào nhờ nhu cầu tín dụng kỳ vọng tăng trong 2 tháng cuối năm. Do đó, mặt bằng lợi suất Trái phiếu Chính phủ sẽ duy trì ở mức thấp như hiện nay”, nhóm nghiên cứu tại SSI dự báo.

P.T