THCL Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng khiến 12 người chết và 1 người mất tích, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã khiến hàng chục ngôi nhà bị sập, hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng.
Lũ trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) khả năng đạt đỉnh báo động 3 và tiếp tục dâng cao
Sáng nay (4/12), báo cáo nhanh của Chi cục PCTT & TKCN miền Trung – Tây Nguyên cho biết, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam đã đạt đỉnh và đang xuống.
Tình trạng ngập lụt tại các huyện Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, TP. Huế (Thừa Thiên Huế), Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành, TP Hội An, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) giảm dần.
Từ đêm ngày 5/12 đến ngày 9/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên khu vực Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lũ lớn; cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1 - 2.
Theo ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đợt mưa lũ từ 29/11 – 2/12 đã gây tổn thất nặng nề cho địa phương, trong đó có 6 người chết, 3 người bị thương.
Lũ đã gây sập 50 nhà dân, ngập gần 9.000 ngôi nhà, tàn phá nhiều công trình thủy lợi, cầu cống, đê ngăn mặn, hồ nuôi trồng thủy sản, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 500 tỷ đồng.
Theo Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Ngãi, hiện lũ trên sông Trà Bồng, Trà Câu đang xuống chậm, các sông Trà Khúc, sông Vệ (khả năng đạt đỉnh ngang mức báo động 3) tiếp tục dâng cao.
Đợt lũ này khiến 4 người chết và một người mất tích, hệ thống đường giao thông, thủy lợi hư hỏng, nhiều đê ngăn mặn bị sạt lở, bồi lấp, nhiều tàu thuyền bị chìm, 100.000 chậu cúc Tết của người dân Quảng Ngãi bị ngập úng.
Ông Trần Trung Triết, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho hay, trưa 3/12, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cháu Phạm Văn Phiên (12 tuổi, ngụ xã Ba Xa) bị lũ cuốn trôi trên sông Re.
Trước đó, trưa 2/12, trong lúc đi làm rẫy về, Phiên cùng hai người khác băng qua sông Re về nhà thì bị lũ cuốn trôi. Hai người may mắn bơi được vào bờ, còn Phiên chết đuối.
Lực lượng cứu hộ huyện Ba Tơ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm anh Nguyễn Đức Trọng (ngụ TP. Quảng Ngãi) bị lũ cuốn trôi khi lội qua suối Nước Chạch (xã Ba Xa) ngày 30/11.
Cũng tại Quảng Ngãi, chiều 2/12, ông Nguyễn Tấn Hoanh (50 tuổi, ngụ xã Bình Chánh, Bình Sơn) đấu nối điện vào nhà bị điện giật rơi xuống nước lũ tử vong. Hai học sinh cùng học lớp 6, Trường THCS Phổ Cường (Đức Phổ) bị lũ cuốn xuống hố sâu chết đuối.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, mưa lũ đã khiến các huyện Phú Ninh, Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn, TP. Hội An, TP. Tam Kỳ bị ngập sâu trong nước. Theo Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam, nhiều vùng hạ du như TP. Hội An, huyện Duy Xuyên, triều cường dâng cao làm giảm khả năng thoát lũ ở các sông. Chiều ngày 3/12, hồ thủy lợi Phú Ninh, hồ thủy điện sông Tranh 2, hồ thủy điện Đắk Mi 4 đang giảm lưu lượng xả nước nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt vùng hạ du.
Ngành chức năng tỉnh Quảng Nam xác nhận, đã có 2 trường hợp tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh. Sáng 3/12, cháu Phùng Quốc Dũng (lớp 8, Trường THCS Quế Lộc, Nông Sơn), trong lúc đi chơi ở khu vực gần nhà bị trượt chân, do không biết bơi nên đã chết đuối.
Cùng ngày, tại huyện Phú Ninh (Quảng Nam), lũ lớn cuốn trôi hai mẹ con chị Trần Thị Vũ (37 tuổi, ngụ xã Tam Đàn) và con trai Nguyễn Huy Hoàng (4 tuổi). Người dân địa phương cứu vớt hai mẹ con và đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam; tuy nhiên, do ngạt nước, cháu Hoàng (con chị Vũ) đã tử vong sau đó.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên từ nay đến hết ngày 8/12, miền Trung tiếp tục có mưa, mưa vừa, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to.
Xuân Hữu