Kiểm tra, tạm giữ sản phẩm có dấu hiệu vi phạm bản quyền
Start-up Việt lên tiếng
Công ty CP Xe điện toàn cầu Pega LTT – một DN khởi nghiệp (start-up) mới đây đã gửi đơn “kêu cứu” lên Bộ Công thương về tình hình vi phạm nghiêm trọng của một số đơn vị, cửa hàng kinh doanh các sản phẩm xe đạp điện trôi nổi, xâm phạm bằng độc quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của Pega.
Theo Công văn 070717/CV ngày 7/7/2017, Pega LTT cho biết đang sản xuất và cung cấp các sản phẩm xe đạp điện, xe máy điện nhãn hiệu HKbike; PEGA. Công ty đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật cho các sản phẩm xe đạp điện Nhãn hiệu/ Số loại sau: HKbike/CAP-A; HKbike/CAP-A2; HKbike/CAP-A2+; PEGA/CAP-A3. Các sản phẩm xe đạp điện trên được bảo hộ bởi Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 21511 ngày 16/10/2015 và số 24079 ngày 21/06/2017.
Tuy nhiên, hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm xe điện làm giả, làm nhái kiểu dáng mẫu xe đạp điện CAP-A và CAP-A2. Tổ chức rà soát, đơn vị này phát hiện Công ty CP thương mại quốc tế Phú Sỹ (tên thường gọi là Fuji, địa chỉ: số 228 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) đã sản xuất và cùng hệ thống cửa hàng của FUJI quảng cáo, bày bán công khai sản phẩm xe đạp điện FUJI CAP-A2 có kiểu dáng xâm phạm Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp của Pega LTT.
Trước sự việc này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã ra Thông báo số 3939/ĐKVN-VAQ ngày 6/7/2017 xử lý vi phạm của FUJI, tạm đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận số 0010/VAQ14-01/17-00 ngày 18/04/2017 và việc cấp tem hợp quy cho Kiểu loại đạp điện FUJI CAP-A2 kể từ ngày 06/07/2017.
Đồng thời yêu cầu FUJI tạm dừng việc đưa ra thị trường các xe FUJI CAP-A2 có các vi phạm so với Kiểu dáng công nghiệp xe đạp điện đang được bảo hộ của Pega
“Trên thị trường còn rất nhiều cửa hàng, đại lý khắp cả nước bán xe đạp điện FUJI CAP-A2 và các loại xe đạp điện khác có kiểu dáng tương tự. Đáng báo động là, hầu hết các xe đạp điện này đều không được dán tem hợp quy (tem hợp quy chỉ được Cục đăng kiểm cấp cho các sản phẩm xe đạp điện có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng và cho phép lưu thông)”, công văn nêu rõ.
Bộ Công thương vào cuộc
Đại diện Pega cho hay, đã có nhiều trường hợp khách hàng thiếu thông tin nên mua phải hàng giả, hàng nhái và phàn nàn sản phẩm thường xuyên bị hỏng hóc, gây tai nạn giao thông… Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, uy tín của DN trên thị trường cũng như quyền lợi của NTD.
Việc xử lý hành vi sản xuất, lưu thông xe giả, nhái kiểu dáng chính hãng được cho rằng vô cùng cấp bách, có tác dụng rất lớn trong việc răn đe, ngăn chặn các đối tượng vi phạm, cảnh báo các đối tượng có ý định vi phạm để bảo vệ lợi ích chung của NTD, các DN liên quan và toàn xã hội.
Ngay sau khi nhận được kiến nghị từ DN, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo Cục QLTT kiểm tra và xử lý.
Ngày 14/7, Cục QLTT đã có công văn chỉ đạo các Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố được xem là có vi phạm cần vào cuộc, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Cùng ngày, Chi cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiếm tra 04 cơ sở buôn bán xe điện có dấu hiệu vi phạm bản quyền sản phẩm Cap-A 2 của PEGA trên địa bàn 3 huyện Yên Phong, Gia Bình, Quế Võ, tạm giữ gần 30 sản phẩm.
Ngày 17/7, đại diện FuJi đã không có mặt và không đưa ra lý do cụ thể tại buổi làm việc với đại diện PEGA về việc tìm phương án xử lý với số xe điện được thu hồi.
Hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, đặc biệt đối với sản phẩm là phương tiện giao thông không chỉ lừa NTD, gây hậu quả nghiệm trọng cho người sử dụng mà còn là mối nguy hại, đẩy lùi sự phát triển của xã hội.
Được biết, với hành vi vi phạm trên, các khung xử phạt đã được quy định rõ trong Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013: Phạt tiền đến 250.000.000 đồng đối với các các nhân vi phạm và mức 500.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi phạm. Buộc tiêu hủy sản phẩm, đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh và bồi thường các bên chịu ảnh hưởng liên quan…
Việt Anh