Nhắc đến ông Võ Đức Thuận, hầu hết người dân xã Quỳnh Lập đều biết đến người họa sỹ không chuyên, là chủ nhân của trên 200 bức ảnh về chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Thuận vốn là người quê gốc huyện Nam Đàn nhưng lại sinh ra tại Cố đô Huế. Lên 4 tuổi, gia đình ông tập kết ra Bắc và về trú tại khối 4, thị trấn Nam Đàn. Lớn lên, cậu bé Võ Đức Thuận được cha mẹ và hàng xóm nơi quê Bác kể lại rất nhiều cậu chuyện về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ đó, lòng thành kính của tuổi thơ về Bác Hồ cứ in hằn trong tâm thức cậu bé này.
Hơn 40 năm qua, ông Thuận vẫn miệt mài vẽ tranh Bác Hồ với một lòng thành kính vô hạn
Năm 1957, trong một lần Bác Hồ về thăm quê, cậu bé Thuận được mẹ cùng bà con trong xóm dẫn đi bộ về Làng Kim Liên, mong một lần được trông thấy Bác. Khi đến nơi, bà con đã vây kín xung quanh Bác Hồ nên Thuận và mẹ chỉ kịp nhìn Bác đi giữa hai hàng người đông đúc. Lần ấy, Thuận nhớ mãi và tự hứa với mình sẽ học thật giỏi để trực tiếp được gặp Bác Hồ ở Hà Nội.
Rồi trong lần Bác về thăm quê năm 1961, Thuận lại háo hức đi theo đám bạn cùng trang lứa để được tận mắt nhìn thấy Bác. Hình ảnh Bác Hồ theo năm tháng cứ hoà quyện vào tâm trí của Võ Đức Thuận tới mãi sau này.
Một góc phòng tranh của ông Võ Đức Thuận
Những năm chiến tranh chống Mỹ, cùng với lớp lớp trai làng lên đường nhập ngũ, ông cũng gia nhập đội TNXP ở C33 - N69 xây dựng Cầu Cấm để phục vụ chiến đấu. Năm 1969, nhờ có năng khiếu hội hoạ, ông được cử đi học lớp kẻ, vẽ pa nô, áp-phích quảng cáo tại Trường điện ảnh Trung ương. Những năm 1970 - 1978, ông Thuận được điều về phục vụ phát hành và chiếu phim ở Rạp 12/9 Nghệ An. Lúc này, ông cùng với các đồng chí trong Rạp 12/9 đi phục vụ chiếu phim cho các chiến sĩ đang bám trụ chiến đấu ở các trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ như: Cầu Cấm, Truông Buồn, U Bò… và nhiều địa phương khác trong tỉnh. Trong quá trình công tác tại rạp chiếu phim, ông Thuận được lãnh đạo Rạp 12/9 luôn cử đi làm công tác chuẩn bị kẻ vẽ các panô, áp phích tuyên truyền nội dung chiếu phim và chính sách của Đảng ta.
Một bức tranh do ông Thuận kí họa
Với lòng thành kính và biết ơn sâu nặng, ông Thuận vẽ nên những bức tranh chân thực về Người cùng với những câu khẩu hiệu phục vụ cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Những thước phim tư liệu chiếu về Bác Hồ được tuyên truyền trên áp phích một cách rộng rãi. Nhờ đó mà bà con càng thêm kính trọng vị lãnh tụ của dân tộc và tăng thêm sức mạnh chiến đấu trong quần chúng.
Ông Thuận kể lại, "những ngày đầu đi vẽ tranh gặp muôn vàn khó khăn, chất liệu vẽ đều do bản thân tự chế từ nước quả mùng tơi, quả dành dành, cà phê đặc và lá cây hoè…". Nói về việc say mê vẽ ảnh Bác, ông Thuận tâm sự: “Đề tài về Bác Hồ được rất nhiều văn nghệ sĩ sáng tác, nhưng với tôi để vẽ chân dung Người là một niềm hạnh phúc. Tình cảm, đạo đức và công lao của Bác luôn là nguồn cảm xúc sáng tạo trong mọi bức vẽ của tôi. Tôi vẽ Bác Hồ bằng cả lòng thành kính suốt mấy chục năm nay”.
Ông Thuận là chủ nhân của trên 200 bức ảnh về chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm nay đã ngoài 70, tuy nhiên ông vẫn không ngừng miệt mài sưu tầm những tấm ảnh tư liệu về Bác Hồ để phác hoạ chân dung của Người theo khổ lớn hơn, chân thật hơn. Mỗi bức họa do ông vẽ về Bác có khi mất cả tháng trời. Với ông, tranh vẽ về Bác Hồ không có giá nào có thể đánh đổi được.
Ông kể, tính đến nay, trong tổng số trên 200 bức tranh ông vẽ về Bác, thì đã có trên 100 bức vẽ chân dung về Người. Vừa nói, ông Thuận vừa dẫn chúng tôi lên tầng 2, nơi chỉ dành riêng để ông trưng bày các bức tranh do ông vẽ. Ông gọi cái tầng 2 này là phòng trưng bày cũng đúng, bởi nguyên cả tầng 2 của căn nhà, ông đều dành để treo tranh và sáng tác tranh. Mặc dầu trong thời gian qua, ông đã hiến tặng rất nhiều bức tranh cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân nhưng phòng tranh của ông vẫn đa dạng, phong phú các bức tranh về Bác.
Phòng tranh về Bác Hồ của ông Thuận thực sự là kho tư liệu quý giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hơn 40 năm say sưa vẽ ảnh Bác cũng là chừng ấy thời gian ông thấm nhuần hơn công lao trời biển, đạo đức trong sáng, chí công vô tư của Người đối với dân tộc. Ông Thuận cho biết, hàng năm, vào các dịp Lễ lớn các em học sinh trong xã thường được các thầy cô tổ chức đến nhà ông để tham quan phòng tranh và những bức ảnh Bác Hồ tại gia đình ông.
Phòng tranh về Bác Hồ của ông thực sự là kho tư liệu quý nhằm giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ với các em học sinh mà ngay cả với người dân nơi đây cũng rất yêu quý và cảm phục trước tấm lòng của ông đối với vị cha già dân tộc. Vì vậy, với ông Thuận, mỗi bức tranh vẽ về Bác Hồ là cả một nỗi lòng. Hình Bác là tài sản vô giá mỗi khi tìm cảm hứng dưới ngòi bút vẽ thành thục của mình.
Lê Quyết