Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Một người bạn vàng ở ‘tuổi 56’ của ASEAN

Ở tuổi 56, ASEAN có một “tình bạn vàng” 50 năm với người bạn “lặng lẽ và bền bỉ” Nhật Bản. Nhật Bản đồng hành cùng ASEAN và người dân ASEAN từ chính sách đến cuộc sống, “từ trái tim đến trái tim”, dù là Học thuyết Fukuda năm 1977 hay quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (09/2023) đều thể hiện sự chân thành và gắn kết từ cả hai phía.

Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản (tại Tokyo, 16-18/12) diễn ra ngay sau khi hai bên nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, do đó, có ý nghĩa quan trọng, nhằm đề ra định hướng phát triển quan hệ trong giai đoạn mới, xứng tầm với khuôn khổ mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26, tháng 9/2023. (Nguồn: TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26, tháng 09/2023. Nguồn TTXVN.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 tháng Chín vừa qua tại Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhấn mạnh: “Tôi mong chúng ta sẽ ghi nhận năm nay là ‘cơ hội vàng’ để truyền lại ‘tình hữu nghị vàng’ lâu đời giữa Nhật Bản và ASEAN cho thế hệ mai sau”.

“Tình bạn vàng, cơ hội vàng”

“Tình hữu nghị vàng” giữa những vùng đất Á Châu đó đã được minh chứng bằng hành trình năm thập kỷ đồng hành phát triển, vượt qua không ít thử thách, gian nan. Từ lâu, Nhật Bản đã xác định mối quan hệ lâu dài với ASEAN, để từ đó thúc đẩy hợp tác toàn diện với ASEAN trên cả bốn trụ cột: đối tác vì hòa bình và ổn định, đối tác vì sự thịnh vượng, đối tác vì chất lượng cuộc sống và đối tác “từ trái tim đến trái tim”.

Có lẽ, niềm tự hào hay bản sắc riêng của ASEAN chính là tinh thần đoàn kết của một “mái nhà chung” và vai trò trung tâm ngày càng được khẳng định thông qua “sức hút” của các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt. Nhật Bản - người bạn luôn nói hai từ “ủng hộ” - là đối tác tích cực, quan trọng của ASEAN trong các cơ chế như ASEAN+3 (bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)...; qua đó, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định tại khu vực.

Nguồn vốn ODA hay đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Nhật Bản đều là những khái niệm không mấy xa lạ với người dân ASEAN. Rõ ràng, sự đồng hành của người bạn Nhật Bản đã đi vào cuộc sống của người dân Hiệp hội một cách chân thành và bền bỉ. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản dành cho các nước ASEAN đã giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo về công nghệ thông tin, y tế, sức khỏe…; thúc đẩy giao lưu và sự hiểu biết giữa người dân hai nước thông qua nhiều dự án.

Hiện nay, FDI của Nhật Bản vào ASEAN lớn thứ tư trong số các nước đối tác của khối; năm 2021, đạt 12 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2020. Riêng trong năm 2022, 12% tổng vốn FDI của Nhật Bản chảy vào các nước ASEAN. Từ lâu, Nhật Bản đã là một trong những đối tác kinh tế “đáng tin cậy nhất” của ASEAN.

Tình hữu nghị ASEAN-Nhật Bản còn được đắp xây từ những mối liên kết con người với con người, sóng đồng điệu từ con tim đến con tim. Hiện nay, tổng số thành viên của Hiệp hội Cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản (ASCOJA) là hơn 50.000 người; Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản đã thực hiện khoảng 2.500 dự án trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước ASEAN…

Hiện nay, khi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành một trong những trung tâm của địa chính trị toàn cầu, ASEAN và Nhật Bản luôn hướng về nhau trong chính sách đối với khu vực này, thể hiện qua việc Nhật Bản đi đầu trong việc hỗ trợ triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Trong Kế hoạch mới về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) do Thủ tướng Kishida Fumio công bố vào tháng 03/2023, Nhật Bản cũng xác định rõ Đông Nam Á là một khu vực quan trọng.

Chừng đó thôi đủ để hiểu rằng ASEAN luôn trân trọng Nhật Bản và ngược lại, một lẽ tự nhiên, hai bên đã trở thành những đối tác, những người bạn không thể thiếu của nhau, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nhau trên tinh thần luôn coi trọng quan hệ, coi nhau là những đối tác bình đẳng.

Tầm nhìn mới cho hành trình mới

Quyết tâm lớn của Nhật Bản và ASEAN trong việc triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thực chất và hiệu quả, tạo thêm những động lực mới, đưa quan hệ hai bên phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26, tại Jakarta, Indonesia, tháng 9/2023. (Nguồn: TTXVN)
Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26, tại Jakarta, Indonesia, tháng 09/2023. Nguồn TTXVN.

Thời gian qua, trong các trao đổi cấp cao ASEAN - Nhật Bản, hai bên đã nhấn mạnh nhiều khía cạnh hợp tác cùng hướng tới tương lai, trong đó có duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, quản lý thiên tai, giao lưu nhân dân, thanh niên, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái xe điện, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch, tăng trưởng xanh… Hai bên mong muốn đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính, là động lực thúc đẩy Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản.

Hẳn rằng, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến đa chiều, phức tạp và khó lường như hiện nay, cả ASEAN và Nhật Bản đều nhận thức được rằng phải có chiến lược mạnh mẽ hơn nữa trong hợp tác để thích ứng với bối cảnh mới. Tại Hội nghị chuyên đề kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản ở Jakarta hồi tháng 02/2023, phía Nhật Bản nhận định rằng việc tăng cường hợp tác với ASEAN là rất quan trọng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“ASEAN và Nhật Bản cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tăng cường chủ nghĩa đa phương cởi mở và toàn diện, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tận dụng các cơ hội hội nhập kinh tế và giao lưu nhân dân… Bằng cách này, ASEAN và Nhật Bản có thể vượt qua các thách thức và xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ và bền vững hơn trong những năm tới”, chuyên gia quan hệ quốc tế Vannarith Chheang tại Đại học Công nghệ Nanyang và Chủ tịch Viện Tầm nhìn Châu Á (Singapore) khẳng định trong một bài viết gần đây trên trang East Asia Forum.

Việt Nam sẽ luôn hết mình

Chứng kiến ASEAN và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rằng, là thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để đóng góp đưa quan hệ ASEAN-Nhật Bản đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Là một thành viên tích cực trong ASEAN, Việt Nam luôn chủ động, tích cực thúc đẩy củng cố và nâng tầm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Khi Nhật Bản đưa ra đề xuất tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm và thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản trong năm 2023, Việt Nam sớm ủng hộ và luôn tham gia đóng góp tích cực, kịp thời để cụ thể hóa những đề xuất này, bảo đảm đúng lộ trình mà ASEAN-Nhật Bản đã đề ra từ đầu năm.

Một trong những đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản có thể kể đến việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, với những thách thức khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, Việt Nam đã triển khai công tác điều phối một cách sáng tạo, phù hợp với bối cảnh tình hình và nhu cầu hợp tác, mang lại lợi ích thực chất cho hai bên, đặc biệt là việc Nhật Bản đóng góp khoản hỗ trợ 50 triệu USD thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED), được công bố vào năm 2020, cùng trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.

Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại Châu Á và trên thế giới không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới mà còn góp phần tích cực vào tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN-Nhật Bản, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân Nhật Bản, Việt Nam và ASEAN.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, con đường phía trước của Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản dù còn đối mặt với nhiều thách thức, song với sự tin cậy, tình bạn chân thành đã được thử thách qua thời gian 56 năm “tuổi đời”, quan hệ ASEAN-Nhật Bản chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần vào thực hiện ước vọng hòa bình, phát triển thịnh vượng khu vực và trên thế giới của ASEAN, Nhật Bản nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Theo báo Quốc tế

Bài liên quan

Tin mới

Hai giám đốc doanh nghiệp ở Móng Cái bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 3/5 do nợ thuế
Hai giám đốc doanh nghiệp ở Móng Cái bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 3/5 do nợ thuế

Ngày 5/5, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh thông tin về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với các giám đốc đại diện pháp luật doanh nghiệp nợ thuế.

Đảm bảo sự công bằng, bình đẳng và thụ hưởng phúc lợi giáo dục tương đồng giữa giáo dục tư thục và công lập
Đảm bảo sự công bằng, bình đẳng và thụ hưởng phúc lợi giáo dục tương đồng giữa giáo dục tư thục và công lập

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Cao Tường Huy tại cuộc họp về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của trường phổ thông tư thục có cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ra mắt đội bóng đá U9 và U11 dự giải toàn quốc 2024
Bà Rịa - Vũng Tàu: Ra mắt đội bóng đá U9 và U11 dự giải toàn quốc 2024

Sáng 5/5/2024, tại TP. Vũng Tàu, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) tổ chức lễ ra mắt hai đội bóng đá U9 và U11 tham dự giải bóng đá nhi đồng toàn quốc năm 2024.

Đến nay, Nam Định đã "sở hữu" 431 sản phẩm OCOP
Đến nay, Nam Định đã "sở hữu" 431 sản phẩm OCOP

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều năm qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại Nam Định đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng. Hết năm 2023, toàn tỉnh có 431 sản phẩm OCOP.

BTL Vùng Cảnh sát biển 3 tiếp tục hỗ trợ 2.000 bình nước uống tinh khiết cho nhân dân
BTL Vùng Cảnh sát biển 3 tiếp tục hỗ trợ 2.000 bình nước uống tinh khiết cho nhân dân

Ngày 5/5, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp với Đoàn thanh niên Sở công thương; Sở An toàn thực phẩm, Khu công nghệ cao; Công an Thành Phố Hồ Chí Minh tặng nước uống cho nhân dân các xã thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Tin vui: Thu nhập bình quân của lao động tăng, đạt 7,6 triệu đồng/tháng
Tin vui: Thu nhập bình quân của lao động tăng, đạt 7,6 triệu đồng/tháng

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 301.000 đồng. Nhưng, cả nước vẫn còn 1,4 triệu thanh niên chưa có việc làm.