Mua hàng qua mạng giúp người tiêu dùng không cần ra khỏi nhà, xem được nhiều mặt hàng và giá cả cũng khá hấp dẫn, nhưng hàng nhận được thì có thể không giống với những gì quảng cáo trên mạng. Khi mua hàng trực tuyến thì người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng. Họ chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng, thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật.
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất của việc mua sắm qua mạng là quảng cáo sai sự thật. Khi mua sắm qua mạng, người tiêu dùng không có cơ hội quan sát trực tiếp cũng như cầm, thử và đánh giá sản phẩm. Người tiêu dùng thường phản ánh, sau khi đặt mua và nhận được sản phẩm, người tiêu dùng nhận thấy sản phẩm thật thường không giống với trên quảng cáo, tính năng không đầy đủ, hoạt động không hiệu quả như quảng cáo, hoặc làm bằng chất liệu khác hoàn toàn so với quảng cáo. Các sản phẩm bị quảng cáo sai sự thật rất đa dạng, từ sản phẩm đắt tiền như nữ trang, đồng hồ, điện thoại… cho đến sản phẩm sử dụng hàng ngày như chổi đa năng, quần áo định hình, đai giảm mỡ bụng, mỹ phẩm, đồ gia dụng…
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các thông tin về an toàn, cảnh báo của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống, đặc biệt khi người tiêu dùng xem sản phẩm qua thiết bị có màn hình nhỏ như điện thoại. Đa số sản phẩm mua qua mạng không có nguồn gốc rõ ràng. Tình trạng này thể hiện qua việc trên sản phẩm không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, mã vạch, hoặc chỉ dẫn địa lý cho biết nơi sản xuất hoặc phân phối sản phẩm. Trên thực tế, có nhiều trường hợp sản phẩm người tiêu dùng đặt mua chỉ có tên sản phẩm, ngoài ra không có thông tin nào khác về nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí, doanh nghiệp thông báo tới người tiêu dùng sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ, Nhật Bản…, nhưng khi nhận được sản phẩm, người tiêu nhận ra trên sản phẩm ghi dòng chữ với ý nghĩa “sản xuất tại Trung Quốc”. Sản phẩm liên quan trong lĩnh vực này rất đa dạng, bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang sức, máy tập thể dục…
Trong một số trường hợp, người tiêu dùng thậm chí bỏ qua phần điều kiện và điều khoản vì màn hình quá nhỏ, trong khi đó, phần này bao gồm những nội dung rất quan trọng liên quan đến đổi-trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành…
Mua hàng từ các cá nhân qua mạng xã hội thậm chí còn tồn tại nhiều rủi ro hơn. Trong một số trường hợp phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng cho biết không thể liên hệ được với cá nhân qua điện thoại, địa chỉ được cung cấp.
Để tránh những rủi ro khi mua hàng qua mạng, cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này. Đặc biệt là tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua. Người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ trên internet như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm kém chất lượng.
Hà Trần