Thông tin từ Ban An toàn - Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cập nhật tình hình mưa kèm lốc xoáy ảnh hưởng đến lưới điện miền Bắc đến hết ngày 21/7 như sau:

Trên lưới điện 110kV có 4 vị trí cột ở các địa bàn thuộc tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Quảng Ninh bị nước lũ gây sạt lở, sụt lút. Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc sẽ triển khai kế hoạch xử lý ngay sau khi nước rút.

Tại Thanh Hóa, một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lớn của cơn bão số 3 gây đổ hơn 500 cột điện trung hạ áp, chủ yếu là cột tre, luồng, bê tông tự đúc thuộc lưới điện nông thôn, gây gián đoạn cung cấp điện của 10 trạm biến áp với gần 1.500 khách hàng tại 6 xã của 4 huyện gồm Nông Cống, Lang Chánh, Như Xuân, Tĩnh Gia.

Hiện nay, Công ty Điện lực Thanh Hóa vẫn đang tập trung xử lý sự cố, khẩn trương khôi phục cấp điện lại cho khách hàng. Các khu vực còn đang bị mất điện do nước ngập cao, đường giao thông bị sạt lở nên việc khắc phục rất khó khăn. Dự kiến cấp điện trở lại trong ngày 25/7. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 5 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, ảnh hưởng của “đuôi” bão số 3 đã làm mất điện của hơn 700 khách hàng ở 3 xã của huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Hiện nay, đường vào các xã này bị sạt lở, giao thông ứng ngập bị chia cắt nên điện lực chưa thể tiếp cận để xử lý đóng điện.

Tại Sơn La, mưa lũ làm ảnh hưởng lưới điện và gây mất điện cho gần 9.000 khách hàng ở 13 xã thuộc các huyện Yên Châu, Phù Yên, Mộc Châu. Các khu vực  bị mất điện đang bị ngập nước, đường giao thông bị sạt lở nên việc khắc phục rất khó khăn, việc kiểm đếm thiệt hại tài sản ngành điện cũng chưa thực hiện được. Hiện Công ty Điện lực Sơn La đã sẵn sàng vật tư thiết bị và nhân lực để khắc phục sự cố, dự kiến cấp điện trở lại trong ngày 23/7.

Tại Phú Thọ, các huyện bị ngập trắng phải cắt điện 100% để đảm bảo an toàn gồm Thanh Sơn, Tân Sơn. Công ty Điện lực Phú Thọ đã thực hiện ứng trực 24/24h, sẵn sàng vật tư thiết bị và nguồn nhân lực để đợi nước rút sẽ tiến hành công tác khắc phục, xử lý sự cố ngay khi có thể, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Tại Hòa Bình, mưa lũ đã gây nghiêng, sạt lở gần 30 cột điện trung hạ áp, khách hàng sử dụng điện tại 15 xã thuộc các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Mai Châu, Cao Phong bị ảnh hưởng do đơn vị điện lực đang buộc phải cắt điện do không đủ điều kiện an toàn. Hiện nay, Công ty Điện lực Hòa Bình đang đợi nước rút để tiến hành khắc phục.

Yên Bái cũng là một trong những tỉnh bị thiệt hại lớn bởi mưa lũ. Thống kê của điện lực tại đây cho biết, đã có 28 cột điện bị đổ, nghiêng sạt lở 36 cột, 19 xã thuộc 4 huyện Trấn Yên, Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Thành phố Yên Bái bị mất điện do không đủ điều kiện an toàn. Hiện các khu vực bị mất điện đang ngập nước, Công ty Điện lực Yên Bái cũng phải chờ nước rút để mới có thể khắc phục, đóng điện trở lại cho nhân dân.

Tại Hà Giang, hiện chỉ còn 1 xã thuộc huyện Đồng Văn với 150 khách hàng bị ảnh hưởng sự cố, dự kiến trong ngày hôm nay, 22/7, số khách hàng này sẽ được cấp điện trở lại.

Tại khu vực Thanh Liêm, Kim Bảng - Hà Nam, nước sông Đáy dâng cao gây ngập một số TBA ven sông, nên Công ty Điện lưc tỉnh đã phải cắt điện ở 5 trạm biến áp (bao gồm: Thanh Liêm: 01 TBA khách hàng; Kim Bảng: 02 TBA bơm tưới và 02 TBA khách hàng). Ngay khi nước rút, đủ điều kiện đảm bảo an toàn, điện lực sẽ tiến hành kiểm tra và đóng lại điện.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, thiên tai đã làm thiệt hại và ảnh hưởng đến một số công trình thủy điện do Tổng công ty làm chủ đầu tư.

Tại Công ty Thủy điện Nậm Đông III, sạt đá gây vỡ nắp tấm đan và lấp 10m kênh phải dừng phát điện từ 10h đến 23h ngày 19/7 để dọn dẹp bốc xúc. Mưa lũ gây bồi lắng lòng hồ trên 10.000 m3, đất đá và cây gỗ lấp kín cửa nhận nước và xả cát làm cho công suất phát chỉ đạt 6MW/15,6MW từ thời điểm 1h ngày 21/7 đến hiện tại. Đơn vị đang tiến hành nạo vét và khơi thông cửa nhận nước và cửa xả cát; Mưa, lũ lớn gây gián đoạn giao thông vào khu vực nhà máy từ 2h ngày 19/7 đến 09h ngày 21/7. Hệ thống camera giám sát bị sét đánh hư hỏng 4/12 cái, hiện đang khôi phục. Hiện nay, khu vực nhà máy vẫn vận hành an toàn ổn định.

Tại Công ty TNHH MTV thủy điện Sa Pa: Từ 6h00’’ ngày 19/7đến 18h 30’’ ngày 20/7, trên khu vực nhà máy có mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng và thiệt hại cho Nhà máy làm xói mòn và mất lớp mặt đường (vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất là đoạn Km 3+300 đến Km 4+100); Tại vị trí km4+600 đến km4+ 680 sạt lở đất taluy dương xuống nền đường khiến các phương tiện không đi qua được. Hiện nay, vị trí này vẫn tiếp tục sạt và nguy cơ sạt lở lớn bất cứ lúc nào, ước tính khối lượng đất, đá sạt lở của Nhà máy là 1.000m3. Số tiền thiệt hại để khắc phục ước tính gần 500 triệu đồng. Dự kiến thời gian khắc phục trong tháng 7.

Thủy điện Sơ Vin - thuộc Công ty Điện lực Sơn La cũng bị sạt lở trên taluy dương vào sát khu vực trạm biến áp tăng áp, Nhà máy đã tiến hành đào bớt đất đá để đảm bảo an toàn.

Các đơn vị trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục ứng trực, theo dõi diễn biến tình hình thực tế, bằng mọi nỗ lực sẽ cố gắng cấp điện trở lại sớm nhất cho khách hàng khi đủ điều kiện, đảm bảo an toàn cho CBCNV cũng như khách hàng.

Một số hình ảnh được chụp tại Thanh Hóa và Yên Bái trong ngày và tối 21/7 khi công nhân ngành điện đi trực và khắc phục sự cố tại hiện trường:

Mưa lớn sau bão số 3 gây thiệt hại không nhỏ đến lưới điện - Hình 1

Mưa lớn sau bão số 3 gây thiệt hại không nhỏ đến lưới điện - Hình 2

Mưa lớn sau bão số 3 gây thiệt hại không nhỏ đến lưới điện - Hình 3

Mưa lớn sau bão số 3 gây thiệt hại không nhỏ đến lưới điện - Hình 4

Mưa lớn sau bão số 3 gây thiệt hại không nhỏ đến lưới điện - Hình 5

Mưa lớn sau bão số 3 gây thiệt hại không nhỏ đến lưới điện - Hình 6

Mưa lớn sau bão số 3 gây thiệt hại không nhỏ đến lưới điện - Hình 7

Mưa lớn sau bão số 3 gây thiệt hại không nhỏ đến lưới điện - Hình 8

EVNNPC