Mục tiêu tăng trưởng GDP 2019 là hoàn toàn có cơ sở - Hình 1

Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường trong sáng 26/10 (Ảnh: Chinhphu.vn)

Ngày 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế xã hội và đồng tình, đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Theo các đại biểu, với đà tăng trưởng của năm 2018, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2019 là hoàn toàn có cơ sở.

Đại biểu Trần Chí Quang (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, những thành quả đạt được đã tạo niềm tin sâu sắc trong xã hội, tăng trưởng GDP tăng cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 tới nay. Các lĩnh vực đều đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhân dân, cử tri đánh giá cao  nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương thời gian qua.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề như chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, chưa phát huy hết được ưu thế của nông nghiệp nhiệt đới, cuộc cách mạng 4.0 chưa thực sự lan tỏa trong nền kinh tế.

Đại biểu nêu nhiều kiến nghị như tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về thể chế, hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), còn một số tồn tại hạn chế cần làm rõ trong báo cáo như tăng trưởng cao nhưng chưa ổn định qua các quý, động lực tăng trưởng 2018 là do đâu, tỷ lệ thu ngân sách từ thuế và phí chưa đạt chỉ tiêu, cơ cấu chi thường xuyên vẫn ở mức cao, số DN giải thể, tạm dừng hoạt động còn cao, mục tiêu 1 triệu DN có đạt được không?.

Về các chỉ tiêu năm 2019, đại biểu đề nghị cần xem xét tăng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, đặt chỉ tiêu xuất siêu, cân nhắc chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị…

Đại biểu Lại Xuân Môn (Đoàn Bạc Liêu) nhận định, chỉ tiêu GDP của năm 2019 dự kiến 6,6% đến 6,8 là khả thi bởi chúng ta đang có động lực, lợi thế và nhiều cơ hội.

Bởi theo đại biểu, thứ nhất, các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 5, Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII đang dần vào cuộc sống có hiệu quả. Như Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân đã khởi sắc. Năm 2018 đóng góp của doanh nghiệp ngoài quốc doanh ước chiếm 15,5% GDP. Trong khi doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp 11,8% GDP. Doanh nghiệp FDI đóng góp 13,9% GDP.

Thứ hai, Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư đoàn kết, thống nhất rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đây chính là động lực vô cùng to lớn để tạo ra những động lực mới.

Thứ ba, hoạt động của Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ, thể chế hóa nhanh nghị quyết của Trung ương. Phương pháp xây dựng luật đã bám sát vào tình hình thực tiễn đời sống của nhân dân. Đáp ứng kịp thời với những diễn biến đổi thay nhanh chóng đang đặt ra.

Thứ tư, đối với Chính phủ, có 5 vấn đề đột phá, đổi mới, sáng tạo tiếp tục phải được phát huy.

Thứ năm, hệ thống chính trị ngày càng vào cuộc quyết liệt. Nhân dân đang có quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới. Ngoài việc phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả, nhân dân phấn khởi thì Trung ương đã vừa ban hành quy định nêu gương, chắc chắn sẽ tăng trưởng niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh phân tích về lợi thế về dân số vàng, đại biểu còn nhấn mạnh tới sự kiện đồng chí Tổng bí thư giữ chức Chủ tịch nước, nhiều nước trên thế giới đã gửi điện chúc mừng ca ngợi đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

“Tôi cho đây còn là vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Từ những phân tích trên không những dự kiến đạt 6,6% đến 6,8% mà còn kỳ vọng đạt cao hơn chỉ tiêu đề ra”, đại biểu Lại Xuân Môn nói.

 T.Nguyên