Mỹ quyết chặn Thổ mua S-400 Nga

Ankara có khả năng sẽ mua máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Nga là Sukhoi Su-57, nếu Washington quyết định đình chỉ việc cung cấp máy bay chiến đấu F-35 Lightning II, nhằm trừng phạt việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triump của Nga.

Tờ báo Yeni Safak đưa tin, theo các nguồn tin quân sự từ Ankara, sự hợp tác ở mức độ rất cao giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về trao đổi công nghệ và phần mềm quân sự đã được thảo luận trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, vào ngày 3 tháng 4 vừa qua.

Đặc biệt là trong chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo còn bao gồm việc cung cấp các máy bay chiến đấu của Sukhoi, cụ thể là Su-57 - một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của F-35 - trong trường hợp Mỹ không bàn giao loại chiến đấu cơ này cho Thổ Nhĩ Kỳ đúng thời hạn hợp đồng.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận cho vay vào tháng 12 năm ngoái để cung cấp hệ thống phòng không S-400 Triump cho Ankara. Thỏa thuận này đã gây ra những bất đồng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, khi Washington tin rằng vũ khí đó không tương thích với các phòng thủ của NATO.

Sau đó, giới chức lãnh đạo và các nghị sĩ Mỹ đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Ankara theo “Đạo luật ngăn chặn những kẻ thù của Mỹ, thông qua các lệnh trừng phạt” (CAATSA). Luật này được áp dụng để trừng phạt những nước có quan hệ hợp tác kinh tế-quân sự với những “kẻ thù” của Mỹ như Nga, Iran, Triều Tiên…

Hôm 25/5, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ (U.S. Senate Armed Services Committee) đã tiết lộ chi tiết về phiên bản chính sách hàng năm của chính sách quốc phòng.

Dự thảo này đặc biệt lưu ý rằng, việc cung cấp các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35A Lightning II của Mỹ cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đình chỉ, để đáp trả việc quân đội nước này mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triump của Nga.

Ngoài việc ngừng bàn giao máy bay, Hoa Kỳ cũng không được phép chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ về bất cứ chi tiết kỹ thuật nào của F-35. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không có hy vọng trở thành quốc gia đặt nhà máy sửa chữa nhỏ ban đầu và bảo dưỡng động cơ cho F-35.

Dự thảo nêu rõ, lệnh cấm này chỉ có thể được dỡ bỏ nếu Nhà Trắng có thể xác nhận chính xác hai điều khoản là: Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ “không làm suy yếu NATO (không quan hệ với Nga-Iran, mua vũ khí Nga) và không giam giữ bất hợp pháp các công dân Hoa Kỳ”. Mà đây là 2 điều kiện mà chắc chắn là chính quyền của ông Erdogan không bao giờ thỏa hiệp.

Mỹ chặn F-35A, Thổ mua luôn cả S-400 và Su-57? - Hình 1

Nếu mua Sukhoi Su-57 Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hóa giải đòn độc của Mỹ dùng F-3A chặn thương vụ mua S-400 Triump

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua cả S-400 và Su-57 Nga

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nhà tài trợ chính cho chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 trong Chương trình “Máy bay tấn công liên hợp” (Joint Strike Fighter - JSF) do Mỹ dẫn đầu. Nước này dự kiến sẽ mua khoảng 116 chiếc F-3A Lightning II, phiên bản cất cánh trên đường băng thông thường của lực lượng không quân.

Giới lãnh đạo Mỹ hy vọng rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không được nhận 2 chiếc F-35A đầu tiên đúng thời hạn vào cuối tháng 6 này và bị loại khỏi chương trình chuyển giao kỹ thuật thì đây sẽ là một đòn đau với quốc gia NATO này và đó có thể là sức ép đủ lớn, buộc chính quyền Ankara phải hủy bỏ thương vụ mua S-400 Triump của Nga.

Sau những động thái này của Mỹ, giới chức lãnh đạo Nga, đặc biệt là Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ trích Hoa Kỳ vì đã cố gắng ép Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi thỏa thuận với Nga.

Và rõ ràng là với thông tin mới nhất này, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ động bàn bạc việc đối phó với kế hoạch của Mỹ dùng F-35A để chặn tương vụ S-400 Triump. Và việc Thổ Nhĩ Kỳ mua cả S-400 và Su-57 Nga sẽ là “sự lựa chọn hoàn hảo” cho cả hai bên.

Nga vừa cung cấp được 2 hợp đồng vũ khí lớn cho một quốc gia NATO, nâng cao vị thế của Nga, quảng bá tính năng vũ khí cho các đối tác tiềm năng như Ấn Độ; vừa tiếp tục ràng buộc Thổ Nhĩ Kỳ vào 2 khoản vay lớn, đổi lại các lợi ích địa-chính trị và kinh tế khác.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có được 2 loại vũ khí rất hiện đại, là bảo bối trấn quốc trong trường hợp có xung đột nào đó với một quốc gia NATO, vừa gia tăng lợi ích quốc gia khi mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với 1 quốc gia lớn, giàu tiềm năng như Nga.

Nếu hợp đồng Su-57 được ký kết tiếp thì có thể nói rằng, đó là một cái tát quá mạnh đối với Mỹ và NATO, đánh dấu việc Ankara có thể thực sự chuyển hướng sang hợp tác thực chất với Nga, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), thay cho NATO và EU.

Được biết, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga, trước đây được gọi là Sukhoi T-50, được phát triển trong khuôn khổ chương trình “Tổ hợp Hàng không Tương lai cho Không quân Chiến thuật” (Prospective Airborne Complex of Frontline Aviation - PAK FA).

Đây là một chiếc máy bay chiến đấu tàng hình hai động cơ, hai chỗ ngồi được thiết kế cho vai trò tấn công và phòng thủ ưu việt, được cho là đối thủ lớn nhất của hai dòng chiến đấu cơ đồng hạng của Mỹ là F-22 Raptor và F-35A Lightning II.

Nó được trang bị một hệ thống điện tử tiên tiến và radar mảng pha điện tử chủ/bị động, cũng như với một loạt các loại vũ khí có độ chính xác cao. Chiếc máy bay tàng hình này thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình trong năm 2010 và đã trải qua thử nghiệm thực chiến ở Syria.

Huy Bình - Baodatviet