Iran quyết định tái làm giàu Uranium

Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (“Iran nuclear deal” hoặc “Iran deal”, viết tắt là IND) hay còn được gọi là “Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện” (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA) được nhóm P5+1, gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức, ký kết với Iran vào năm 2015.

Tuy nhiên, kể từ trước khi lên nắm quyền ở Nhà Trắng hồi tháng 1/2017, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kịch liệt phản đối thỏa thuận mà người tiền nhiệm Barak Obama đã mất hàng chục năm trời “lao tâm khổ tứ” mới đạt được.

Và đến ngày 08/5 vừa qua, ông Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA và đưa ra 12 điều kiện buộc Iran phải chấp thuận để được tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận mới, trọng tâm trong đó là việc Iran phải chấm dứt chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), công khai toàn bộ chương trình hạt nhân quân sự; cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh sát bất cứ cơ sở nào trên lãnh thổ Iran và phải giao nộp nguyên liệu hạt nhân cho Mỹ.

Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ toàn bộ những yêu sách này, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ phải chịu hậu quả rất xấu nếu rút hoàn toàn khỏi JCPOA; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với 5 nước châu Âu còn lại về một thỏa thuận hạt nhân mới, “phiên bản không Mỹ”.

Bên cạnh đó, chính quyền Tehran cũng đưa ra cảnh báo đáng lo ngại về việc nước này sẽ tiếp tục làm giàu nguyên liệu hạt nhân lên cấp độ vũ khí và đẩy mạnh kế hoạch phát triển tên lửa tiềm năng của mình.

Những tuyên bố này khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại, và đến ngày 05/6, những quan ngại này đã trở thành hiện thực.

Chính quyền Tehran tuyên bố “sẽ thông báo cho cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc tại Vienna vào ngày thứ Ba, mùng 6 tháng 6 về quyết định tăng cường khả năng làm giàu uranium (UF6), để đáp trả việc Mỹ rời khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015”.

Mỹ-Israel chuẩn bị không kích Iran, dằn mặt Triều Tiên? - Hình 1

Mỹ và Israel đang dự định không kích cơ sở hạt nhân Iran?

Phát ngôn viên tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran Behrouz Kamalvandi, đã tuyên bố điều này; tuy nhiên, ông đã không đề cập đến mốc thời gian cụ thể chính quyền Tehran quyết định tái triển khai quá trình làm giàu uranium hoặc cấp độ làm giàu.

Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei’s tối hôm 04/6 cho biết: “Tôi đã ra lệnh cho cơ quan năng lượng nguyên tử của Iran chuẩn bị nâng cấp năng lực làm giàu uranium, nếu thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới sụp đổ sau khi Hoa Kỳ rút lui.

Nhà lãnh đạo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cũng đã từng dự báo sự phát triển tình hình này vài hôm trước và đến nay, Iran đã chính thức công bố quyết định của mình. 

Mỹ-Israel sẽ không kích cơ sở hạt nhân Iran?

Trước đây, trang web của Israel là DEBKAfile đưa ra nhận định vào ngày 24 tháng 5 rằng, nếu Iran tái triển khai làm giàu uranium, Mỹ và Israel sẽ chuẩn bị tấn công các cơ sở làm giàu và các cơ sở hạt nhân quan trọng khác để ngăn chặn Cộng hòa Hồi giáo tiếp tục tiến bộ về khả năng vũ khí hạt nhân.

Bây giờ Tehran đang thực hiện bước đó, điều này phụ thuộc vào Tổng thống Donald Trump và phản ứng của Mỹ. Quyết định của ông sẽ chịu ảnh hưởng của hội nghị thượng đỉnh chớp nhoáng của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12 tháng 6.

Để thuyết phục ông Kim rằng ông sẽ hiểu được sức nặng trong yêu cầu dỡ bỏ các chương trình hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng, Trump có thể tìm thấy những phản ứng ông cho là cần thiết để đáp trả quyết định tiếp tục làm giàu uranium của Iran, với một phản ứng quân sự.

Bước đi của Đại giáo chủ Khamenei mang lại cho Trump một thời điểm phù hợp cho một quyết định có tính chất bước ngoặt trong cả vấn đề Triều Tiên lẫn Iran.

Thời điểm này cũng trùng hợp với chuyến đi châu Âu đầy nhạy cảm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Các nước ký kết châu Âu của thỏa thuận này, gồm Đức, Pháp và Anh đã hợp lực để cứu thỏa thuận hạt nhân bằng các nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Iran hạn chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cùng với các hoạt động “bành trướng” ở Trung Đông; trong khi vẫn phải chấp nhận đòn trừng phạt của Mỹ.

Mỹ-Israel chuẩn bị không kích Iran, dằn mặt Triều Tiên? - Hình 2

Bản đồ các cơ sở hạt nhân chủ chốt (đã biết) trên lãnh thổ Iran

Đại giáo chủ Khamenei đã nói rõ rằng hai vấn đề này là “không thể thương lượng được”, còn Israel cảnh báo rằng, chắc chắn những điều này sẽ xảy ra. Netanyahu thấy các nhà lãnh đạo của châu Âu đang lúng túng trước bước tiếp theo của họ và ông này đã lập tức đến châu Âu.

Tiếp theo là tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi đầu tuần này rằng, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ không cung cấp viện trợ quân sự cho Israel, nếu Tel Avip bị Iran tấn công.

Viễn cảnh Mỹ-Israel không kích các cơ sở hạt nhân Iran đang đến gần hơn với thực tế, bởi dường như NATO đã cảm nhận được một hành động quân sự từ phía Mỹ-Israel và tiên liệu được một đòn đáp trả khốc liệt của Iran đối với Israel, dẫn tới một cuộc chiến khó lường; do đó, họ đã rào đón trước về khả năng tham gia đòn tấn công của Mỹ.

Theo Đất Việt