Phát biểu khai mạc tại “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2023”, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, từ nhiều năm nay, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng được phát triển và mở rộng, bất chấp nhiều giai đoạn khó khăn của thị trường.
Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018 (cũng là năm đầu tiên Diễn đàn thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh được tổ chức) lên mức 23 tỷ USD năm 2022. Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.
Xét về quan hệ thương mại của Việt Nam, Mỹ Latinh vẫn luôn nằm trong số các thị trường quan trọng nhất. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…, Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…
8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh đạt 13,4 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, theo ông Linh, một tín hiệu tích cực là đà giảm xuất nhập khẩu đang được thu hẹp dần so với những tháng đầu năm và vẫn có một số thị trường có kim ngạch 8 tháng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2022, cho thấy thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ Latinh đang có dấu hiệu phục hồi.
Việt Nam và Mỹ Latinh là những nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới, với nhiều lợi thế có thể bổ sung cho nhau. Hai bên đều có khả năng nhất định trong tham gia xử lý các thách thức về an ninh lương thực, năng lượng, tham gia các chuỗi cung ứng đang được tái cơ cấu mạnh mẽ trên toàn cầu...
“Tuy nhiên, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khu vực Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hoá và hành khách trực tiếp, chi phí logistics cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường…”, ông Tạ Hoàng Linh đánh giá.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới bất ổn như hiện nay, việc thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương cũng như trong các khuôn khổ đa phương là hết sức cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam và Mỹ Latinh là những nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới, với nhiều lợi thế có thể bổ sung cho nhau. Hai bên đều có khả năng nhất định trong tham gia xử lý các thách thức về an ninh lương thực, năng lượng, tham gia các chuỗi cung ứng đang được tái cơ cấu mạnh mẽ trên toàn cầu...
Ông Tạ Hoàng Linh cho rằng, chúng ta cần tích cực hợp tác chặt chẽ để vượt qua thách thức, tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần phục hồi kinh tế toàn cầu. Việt Nam mong muốn xây dựng những khung khổ hợp tác mới với khu vực Mỹ Latinh.
Về phía Việt Nam hiện đã hoàn tất việc rà soát nội bộ liên quan đến việc đàm phán FTA với Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay); và mong muốn hai bên sớm khởi động đàm phán để đi đến ký kết hiệp định này, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên trong khối.
Minh Anh