Từ đầu năm đến nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng liên tục diễn ra, không chỉ ở khu vực dân cư ở xa Nhà máy nước Cầu Đỏ, mà người dân thành phố phải uống nước lợ nhiều ngày, có khi kéo dài hàng tuần, thậm chí gần 1 tháng.

Theo Công ty Cổ phần Cấp nước TP. Đà Nẵng (Dawaco), độ mặn của sông Cầu Đỏ đã tăng lên mức hơn 1.000mg/l và liên tục gia tăng. Độ mặn đo được vào lúc 12 giờ trưa 19/8 là 2.858mg/l, cao hơn gấp 11 lần so với mức cho phép. Dawaco đã vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch với công suất tối đa đưa nước thô về cho 2 Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay sản xuất. Tuy nhiên, do công suất tối đa của hệ thống đường ống chỉ chuyển tải nước thô được khoảng 210.000m3/ngày, nên không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước hiện nay của thành phố là 306.000-307.000m3/ngày.

Nắng nóng kéo dài, nhiều địa phương thiếu nước sinh hoạt - Hình 1

Người dân Đà Nẵng đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng

Theo tính toán, việc cấp nước cho thành phố Đà Nẵng các thời điểm nguồn nước mặt tại cửa thu nước Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn sẽ cực kỳ khó khăn vì nguồn nước tại hồ sông Bung 4 đã cạn kiệt nếu tình hình hạn hán, nắng nóng vẫn tiếp diễn và không có mưa trên lưu vực.

Tại các xã Bình Hải, Bình Trị, Bình Đông... (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), vấn đề thiếu nước và xâm nhập mặn đang làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục ngàn người dân. Xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ), xã Nghĩa An, xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) cũng đang lâm vào tình trạng cạn nước ngọt, đầy nước mặn trong cả giếng khoan lẫn giếng khơi, người dân phải mua nước về dùng.

Tại đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn), tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng nhất. Toàn bộ đảo không còn nước ngọt, người dân phải mua nước từ đảo Lớn sang với giá 325.000 đồng/m3.

Nhiều khu vực ở TP Hội An (Quảng Nam) đã thiếu nước sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và khách du lịch. Nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đông Hà (Quảng Trị) là sông Vĩnh Phước đã kiệt nước từ đầu tháng 8/2019. Tỉnh Quảng Trị buộc phải xả hồ thủy lợi Ái Tử để cấp nước cho 30.000 dân TP Đông Hà.

Người dân ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) nói rằng nhiều tháng qua, tất cả giếng nước cả làng đều không còn giọt nào. Còn ở xã An Cư, huyện Tuy An (Phú Yên), người dân cho biết mấy tháng liền không có giọt mưa nào, ruộng đồng nứt nẻ, kênh mương khô khốc, giếng khắp nơi kiệt nước. Người đã khổ vì không có nước sinh hoạt, còn trâu bò thì đến nước uống cũng không có.

Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, đến nay đã có khoảng 10.000 hộ dân ở 6 huyện, thị xã ở tỉnh này bị thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn kéo dài. Hiện có khoảng 4.500 hộ với gần 20.000 người ở 2 huyện Sông Hinh, Tuy An và thị xã Sông Cầu không còn nguồn nước sinh hoạt.

Cao điểm nắng nóng trong tháng 7/2019, toàn tỉnh Bình Định có đến 13.130 hộ với khoảng 55.000 người thiếu nước sinh hoạt. UBND tỉnh Bình Định phải cho xe chuyên dùng của cảnh sát phòng cháy chữa cháy thực hiện hàng trăm lượt xe chở nước cấp cho dân với định mức hỗ trợ 40 lít nước/người/ngày. Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 165 hồ chứa thủy lợi nhưng đã có tới 152 hồ cạn nước; hơn 31.200ha lúa hè thu bị thiếu nước.

Bảo Lâm