Về phương thức tuyển sinh
Được thực hiện như các trường dân sự, gồm có thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Tuy nhiên, với trường quân đội, Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng sẽ có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện khi phương thức tuyển sinh có thay đổi. Nếu trường nào có đề án tuyển sinh riêng, được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì có thể tổ chức thi tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng.
Về tổ hợp xét tuyển
Các trường sử dụng 7 tổ hợp xét tuyển truyền thống, bao gồm: A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, tiếng Anh); B00 (toán, hóa, sinh); C00 (văn, sử, địa); D01 (toán, văn, tiếng Anh); D02 (toán, văn, tiếng Nga); D03 (toán, văn, tiếng Pháp); D04 (toán, văn, tiếng Trung Quốc).
Dự kiến, các trường Quân đội có thể xây dựng đề án tuyển sinh riêng
Đối tượng tuyển sinh
Vẫn được chia thành 3 diện: hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ quân đội đủ 12 tháng trở lên; nam thanh niên ngoài quân đội; nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân.
Dự thảo cũng lưu ý, các trường quân đội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng quân sự đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng, dự Kỳ thi THPT quốc gia trong năm đăng ký xét tuyển để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng; Các môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào trường thí sinh đăng ký. Thí sinh phải sử dụng hồ sơ đăng ký sơ tuyển đại học, cao đẳng do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng in, phát hành thống nhất trong toàn quốc.
Theo dự thảo này, thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển. Nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành. Các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, các thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng.
Giới hạn chỉ tiêu đối với nữ
Tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự. Tuyển không quá 6% trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo các ngành: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện tử y sinh, khí tài quang, địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Tuyển không quá 10% chỉ tiêu đào tạo ngành tài chính vào đào tạo ngành tài chính tại Học viện Hậu cần.
Về điểm chuẩn tuyển sinh, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng quyết định điểm chuẩn tuyển sinh của các trường. Việc này dựa trên 2 nguyên tắc: Thực hiện một điểm chuẩn chung với đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài quân đội; thực hiện điểm chuẩn riêng theo từng tổ hợp môn xét tuyển, theo 2 miền Bắc - Nam hoặc theo từng quân khu.
Riêng các trường tuyển sinh đào tạo cán bộ cấp chiến thuật, chiến dịch hệ chính quy dài hạn chỉ xét duyệt hồ sơ (không tổ chức thi đầu vào). Căn cứ chỉ tiêu Bộ Quốc phòng giao và nhân sự được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các trường tổ chức tiếp nhận, kiểm tra sức khỏe, văn bằng, chứng chỉ có liên quan; tổng hợp, báo cáo kết quả về Tổng cục Chính trị và Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
Hằng Vương (t/h)