Theo thông tin tử Tổng cục Hải quan, tính từ 16/11/2019 đến 15/12/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.065 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 177 tỷ 066 triệu đồng; Số thu ngân sách đạt hơn 24 tỷ đồng, Hải quan khởi tố 8 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 15 vụ.
Lũy kế từ ngày 16/12/2018 đến 15/12/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 16.663 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.691 tỷ 807 triệu đồng; số thu NSNN đạt 370 tỷ 388 triệu đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành 44 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 101 vụ.
Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động.
Ảnh minh họa
Trước tình hình đó với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới:
Chỉ đạo toàn lực lượng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng, trong đó tập trung vào: xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý như ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong lĩnh vực Hải quan và có cơ chế phối hợp liên ngành qua việc ký Quy chế phối hợp số 3229/QC-BĐBP-TCHQ ngày 04/9/2019 giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại duy trì triển khai hoạt động trực ban, giám sát trực tuyến trong toàn ngành Hải quan, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm thông qua việc ban hành các kế hoạch: triển khai công tác kiểm soát Hải quan năm 2019; tăng cường kiểm soát đối với hàng quá cảnh, tạm nhập- tái xuất từ Việt Nam sang Campuchia; kiểm tra, giám sát, kiểm soát phòng ngừa, đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới; kiểm tra, xác minh, đấu tranh với hoạt động giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp,hoạt động gian lận thương mại đối với mặt hàng sợi có nguồn gốc Trung Quốc, Ấn Độ, mặt hàng đường cát…
Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin nghiệp vụ kiểm soát hải quan (thông tin tình báo) luôn được coi là một trong những kênh thông tin hữu hiệu phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ về kiểm soát Hải quan đồng thời cũng thể hiện thái độ tích cực và cam kết của Hải quan Việt Nam tham gia sâu rộng vào các hoạt động hợp tác quốc tế về Hải quan.
Bảo Lâm