Phát biểu tại buổi họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 vẫn tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6% đến 6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.
Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).
Năm 2019, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng GDP trên 7% (Ảnh minh họa)
Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê thông tin, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục 138,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, điểm sáng của nền kinh tế năm 2019 đó là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2019 ước tính đạt 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa 1,14 triệu tỷ đồng, bằng 97,7%; thu từ dầu thô 53,3 nghìn tỷ đồng, bằng 119,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 210,2 nghìn tỷ đồng, bằng 111,1%.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2019 ước tính đạt 1,3 triệu tỷ đồng, bằng 80,6% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 927,9 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8%; chi đầu tư phát triển 246,7 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5%; chi trả nợ lãi 99,3 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5%.
Ngọc Linh