Có thể nói 2022 là năm bùng nổ và bứt phá của thị trường xe Việt khi có mức tăng trưởng lên tới 24% so với năm 2021. Việc cán cột mốc 500.000 xe đã bán ra không chỉ là một kỷ lục mới về doanh số mà nó còn cho thấy Việt Nam đang dần trở thành một trong những thị trường ô tô lớn của khu vực.
Đóng góp lớn vào sự tăng trưởng đột phá này phải kể đến chính sách kích cầu giảm 50% lệ phí trước bạ trong 5 tháng đầu năm của Chính phủ, cũng như hàng loạt mẫu xe mới được giới thiệu ra thị trường, tập trung ở phân khúc xe phổ thông giá rẻ.
Theo các chuyên gia, sức tiêu thụ của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2022 còn có thể lớn hơn con số 508.545 xe nếu không bị ảnh hưởng bởi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện và thiếu hụt chip nghiêm trọng xảy ra ở giai đoạn nửa đầu năm qua.
Như vậy, trong các thị trường trong khu vực có doanh số đạt trên 500.000 xe/năm, giờ đây không chỉ có Thái Lan, Indonesia, Malaysia mà đã có thêm Việt Nam ở vị trí thứ 4.
Mặc dù, sức tiêu thụ đã thu hẹp với 3 quốc gia kể trên nhưng về khả năng sản xuất, Việt Nam vẫn còn giữ một khoảng cách khá xa. Theo số liệu từ Hiệp hội ô tô Đông Nam Á (AAF), tính đến hết tháng 11/2022, Thái Lan vẫn đang là quốc gia sản xuất ô tô nhiều nhất khu vực với 1.790.082 xe, tiếp đến là Indonesia với 1.330.238 xe và Malaysia 633.412 xe, trong khi Việt Nam mới sản xuất được 407.100 xe.
Thái Lan và Indonesia vẫn là 2 trung tâm sản xuất ô tô lớn của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là 2 nước có lượng xe được nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong năm 2022 với con số lần lượt là 72.034 xe (Thái Lan) và 72.671 xe (Indonesia).
Theo dự báo của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô từ 700.000-800.000 xe/năm vào năm 2025 và trên 1 triệu xe/năm vào năm 2030 nhưng để đạt được điều đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất nhiều thứ phải làm. Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt và khả thi nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể đạt được là vượt qua Malaysia.
Minh Đức