Về kế hoạch năm 2023, người đứng đầu Chính phủ nhận định, trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. "Chúng ta phải xác định như vậy để không chủ quan, thoả mãn với những kết quả đã đạt được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho biết, sẽ tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; chủ động thích ứng với tình hình; kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; giải quyết hài hòa, hợp lý giữa hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên và giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh và tạo nền tảng mang tính căn cơ, dài hạn cho phát triển nhanh, bền vững.
Được đặt lên hàng đầu trong mục tiêu tổng quát của kế hoạch năm sau là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh.
Có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%... Thủ tướng báo cáo Quốc hội.
Nêu nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp; bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tập trung giữ vững ổn định thị trường tài chính, tiền tệ; nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án thua lỗ kéo dài.
Phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững. Có chính sách phù hợp, công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Thủ tướng nêu giải pháp tiếp theo.
Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ cũng cho biết sẽ hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/07/2023. Trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
PV (lược ghi)