Nghị quyết đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
Bên cạnh đó, tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững.
Từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát hằng năm.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn Nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng...
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo đúng quy định pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế; nâng cao chất lượng quy hoạch để bảo đảm khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Hải Dương (t/h)