Theo đó, kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...), trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn.

Nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hiệu quả
Nhiều mô hình  hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hiệu quả. (Ảnh: ĐCS)

Khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19 gây ra, thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ hợp tác xã phục hồi sản xuất, trở lại hoạt động.

Rà soát, nghiên cứu và tiến hành thực hiện việc đăng ký, tổ chức lại hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012; giải thể dứt điểm các hợp tác xã không còn hoạt động trong giai đoạn 2021 - 2023, đặc biệt chú trọng xây dựng phương án giải thể dứt điểm 50% tổng số hợp tác xã không còn hoạt động trên địa bàn quản lý thuộc diện vướng mắc có thể xử lý ngay theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong năm 2023, số lượng hợp tác xã đăng ký hoạt động là 736 đơn vị; trong đó, số lượng hợp tác xã đang hoạt động 617 đơn vị, phát triển mới 30 hợp tác xã; số lượng liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động là 9 đơn vị; nâng tổng số lao động làm việc trong khu vực kinh tế tập thể đạt 24.000 lao động; tỷ lệ cán bộ quản lý, nghiệp vụ hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học trở lên đạt trên 55%; trình độ trung cấp, sơ cấp đạt dưới 45%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của TP là 0,5%.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh triển khai một số giải pháp như: tiếp tục thực hiện đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong việc áp dụng đối với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan theo lĩnh vực, ngành; 

Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2023 - 2025 (trong đó, ưu tiên hỗ trợ đối tượng là hợp tác xã, thành viên hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao); đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng chương trình xúc tiến thương mại năm 2023; trong đó hỗ trợ các hợp tác xã tham gia chương trình;

Xây dựng chương trình quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của các hợp tác xã trên trang thông tin điện tử của Liên minh Hợp tác xã TP và các sở, ngành; hỗ trợ các hợp tác xã có sản phẩm xuất khẩu tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Triển khai showroom trưng bày giới thiệu các sản phẩm nổi bật, tiêu biểu của các hợp tác xã trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn về nhãn hiệu cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các đề tài, nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ cho các Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã TP. Hồ Chí Minh phấn đấu trợ vốn cho 58.562 lượt thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng doanh số trợ vốn khoảng 2.161,2 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 1.248,4 tỷ đồng.

Phong Vân (t/h)