Đội Quản lý thị trường số 7, Cục QLTT Thanh Hóa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu
Đội Quản lý thị trường số 7, Cục QLTT Thanh Hóa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng kế hoạch, tăng cường giám sát địa bàn quản lý để phát hiện, ngăn chặn tình trạng hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Tập trung thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chú trọng kiểm tra lĩnh vực thương mại điện tử; quản lý thị trường vàng, mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp v.v…

Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2024, Lực lượng quản lý thị trường đã vận động 16.336 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết “Không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”; đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người kinh doanh, người dân thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường…

Công tác chống buôn lậu, hàng cấm tiếp tục được tăng cường. Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 733 vụ vi phạm; chuyển khởi tố 560 vụ, xử lý vi phạm hành chính 173 vụ, phạt tiền hơn 1,1 tỉ đồng.

Hàng hóa vi phạm gồm: 98,22 kg heroin; 14,5 kg và 73.745 viên ma túy tổng hợp; 36,95 kg ma túy đá; 7,1 kg ketamine; 34.000 viên hồng phiến; 14 kg thuốc nổ; 1.173 kg pháo nổ; 600 kg pháo hoa; 150 kíp mìn, 02 khẩu súng tự chế, 100 viên đạn quân dụng; 19,212 m3 gỗ các loại, 22.460 kg lâm sản ngoài gỗ; 32 cá thể động vật rừng, 1.159 cá thể chim hoang dã, 9,7 kg sản phẩm động vật rừng; 30.078 bao thuốc lá; 3.290 món đồ chơi trẻ em; 5.223 linh phụ kiện điện thoại; 7.077 gói và 175 kg thực phẩm đóng gói...

Đội Quản lý thị trường số 12 triển khai thực hiện Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm 2024
Đội Quản lý thị trường số 12 triển khai thực hiện Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm 2024

Công tác chống gian lận thương mại cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Các lực lượng chức năng đã tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các địa bàn trọng điểm, siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ, cơ sở đầu mối cung ứng hàng hoá, nhất là mặt hàng thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược.

Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về gian lận thương mại như: Sử dụng hoá đơn khống, hợp thức hóa hàng lậu bằng hóa đơn bán hàng không đúng thực tế; gian lận trong công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy, đo lường chất lượng; hành vi vi phạm về giá, nhãn hàng hóa, vi phạm an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Qua kiểm tra, đã phát hiện xử lý 2.655 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính hơn 56,9 tỉ đồng.

Đồng thời công tác chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng được chú trọng. Các lực lượng chức năng đã xử lý 161 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng; trong đó khởi tố 07 vụ, xử lý vi phạm hành chính 154 vụ, phạt tiền hơn 2,64 tỉ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu gồm: Nước giặt, nước rửa chén, linh phụ kiện điện thoại, phụ tùng xe máy, xe điện, giầy dép, tất...

Đội Quản lý thị trường số 9 tạm giữ hàng hoá do nước ngoài sản xuất, đã qua sử dụng
Đội Quản lý thị trường số 9 tạm giữ hàng hoá do nước ngoài sản xuất, đã qua sử dụng

Năm 2025, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, để mọi đối tượng có thể tiếp cận, ghi nhớ những nội dung cần chuyển tải, góp phần đảm bảo chiều rộng và chiều sâu của công tác tuyên truyền.

Triển khai hiệu quả hoạt động kiểm tra định kỳ, các chương trình, kế hoạch, cao điểm trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử; tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý các vụ việc về hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng để xây dựng phương án kiểm tra chuyên đề, đột xuất.

 Lê Nam