Làng nghề Báo Đáp có 7 xóm, với khoảng 1.000 hộ dân, chủ yếu là người công giáo. Từ lâu, làng Báo Đáp được biết đến là làng nghề sản xuất đèn ông sao lớn nhất miền Bắc, sản phẩm đèn ông sao đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Những chiếc đèn ông sao của làng Báo Đáp được chế tạo theo phương pháp thủ công. Để làm được chiếc đèn ông sao, người dân phải chuẩn bị từ rất lâu. Ngay sau tết Nguyên Đán nhiều người dân bắt đầu mua luồng, tre nứa về ngâm. Khoảng 3 tháng sau đem phơi qua nhiều nắng mới đạt đủ tiêu chuẩn...

Ngoài ra, người làng Báo Đáp không có thói quen sử dụng keo dán công nghiệp để dán vỏ đèn, mà chỉ tin dùng theo phương pháp truyền thống. Theo các cụ trong làng, bột gạo được nấu theo những công thức riêng sau khi quét lên thân tre sẽ giúp chiếc đèn bền hơn và rất an toàn cho trẻ nhỏ...

Cũng chính vì vậy mà từ các cụ già cho đến những em nhỏ mới 7 - 8 tuổi cũng có thể tự hoàn chỉnh một chiếc đèn ông sao. Càng gần ngày tết Trung thu, nhu cầu chơi đèn ông sao của người dân càng tăng cao khiến những người làng nghề Báo Đáp sản xuất đèn không kịp để bán.

          Người dân tất bật làm đèn ông sao ở làng nghề Báo Đáp. Ảnh: Đinh Huy

Một ngày cuối tháng 8 dương lịch, dạo quanh 1 vòng làng nghề Báo Đáp, chúng tôi không khó bắt gặp những cơ sở sản xuất đèn ông sao phục vụ Tết Trung thu.

Gia đình ông Vũ Văn Trùng là một trong những hộ sản xuất đèn ông sao có quy mô lớn ở xóm 4, Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Những ngày này, các thành viên trong gia đình ông đều tất bật, chạy đua với thời gian để đảm bảo số lượng đèn ông sao phục vụ Tết Trung thu 2023.

Gia đình ông Vũ Văn Trùng xóm 4, Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đang tất bật làm đèn ông sao. Ảnh: Mai Chiến

Theo ông Trùng:

"Để chuẩn bị số lượng lớn đèn ông sao cho thị trường Tết Trung thu 2023, ngay từ đầu năm, tôi đã mua luồng ở trong Thanh Hóa để đưa về ngâm dưới ao, ngâm khoảng 3 tháng, sau đó đem phơi nắng và chẻ thành nan.

Đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 dương lịch, gia đình tôi đã bắt đầu rục rịch làm đèn ông sao để phục vụ thị trường khắp cả nước. Nguyên liệu làm đèn ông sao gồm luồng, dây thép nhỏ, hồ dính, giấy màu, ni lông màu (gồm các màu xanh, vàng, đỏ…)". 

Tính từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Trùng đã bán ra thị trường hơn 3 vạn chiếc đèn ông sao với đủ loại kích cỡ.

Trên mỗi cánh đèn ông sao đều được trang trí họa tiết nổi bật. Đặc biệt, ở 2 mặt trọng tâm đèn ông sao có dán hình ảnh Bác Hồ quàng khăn đỏ cho thiếu nhi và in dòng chữ: “Trung thu nhớ Bác”.

Đèn ông sao với kích cỡ lớn ở làng Báo Đáp. Ảnh: Mai Chiến

Nhiều năm nay, thu nhập chính của gia đình anh Nguyễn Văn Vinh, xóm 2, Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) chủ yếu từ làm đèn ông sao. Thời gian qua, tranh thủ thời gian nghỉ hè, các con của anh cũng đã phụ giúp bố mẹ làm đèn ông sao.

Gia đình anh Nguyễn Văn Vinh, xóm 2, Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) tranh thủ làm đèn ông sao. Ảnh: Mai Chiến

Trung bình, mỗi ngày, gia đình anh Vinh hoàn thiện được khoảng 300 - 400 chiếc đèn ông sao mi ni, kích cỡ khoảng 20cm. Sau khi hoàn thiện, mỗi chiếc đèn ông sao, gia đình anh được các đầu mối trả công 1.000-3.000 đồng/chiếc. 

Theo những người dân trong làng, những năm trước đèn ông sao không được ưa chuộng, hơn nữa do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân làng nghề không dám làm ồ ạt mà phải vừa làm vừa theo dõi nhu cầu của thị trường. Sau khi dịch Covid-19 tạm lắng, đầu ra cho các sản phẩm đã thuận lợi hơn. Hai năm trở lại đây, đèn ông sao sản xuất đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó.

Năm nay nhu cầu mặt hàng đèn ông sao tăng cao, giá bán cũng tăng khiến cho người dân làng nghề vô cùng phấn khởi. So với năm ngoái, giá bán đèn ông sao tăng nhẹ. Loại đèn cỡ 1 mét nếu bán lẻ khoảng 100.000 đồng/chiếc, còn nếu đổ buôn với số lượng lớn thì giá dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/chiếc, tùy vào từng thời điểm.Từ đầu năm đến nay, nhiều gia đình đã bán được hàng nghìn chiếc đèn ông sao. Những năm trước, giá bán tại xưởng chỉ 2.700 đồng/chiếc nhưng năm nay đã lên tới 5.000 - 8.000 đồng/chiếc. Càng gần Trung thu, giá đèn ông sao càng tăng.

Mặc dù trên thị trường tràn ngập các loại đồ chơi trung thu hiện đại nhưng đèn ông sao vẫn là món đồ chơi ý nghĩa được ưa chuộng bậc nhất trong ngày tết Trung thu. Làng nghề Báo Đáp sẽ luôn được duy trì và phát triển vì đây là một nét văn hóa . Sau một thời gian chạy theo các sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc, giờ đây người tiêu dùng đã quay lại với đèn ông sao. Bởi đèn ông sao trong tết Trung thu gắn liền với phong tục, tập quán và nét văn hóa người Việt...

Theo danviet.vn