Trong năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Đà Nẵng cần tuyển 313 giáo viên (GV) tiểu học, 233 GV THCS, 84 GV THPT. Tuy nhiên, nhiều quận - huyện cho hay số hồ sơ dự tuyển hợp lệ thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng.

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, quận Liên Chiểu của TP này cần 79 GV tiểu học nhưng kỳ tuyển dụng viên chức vừa rồi chỉ có 52 hồ sơ dự tuyển hợp lệ. Quận Ngũ Hành Sơn cần 34 GV tiểu học nhưng chỉ có 21 hồ sơ hợp lệ dự tuyển, chưa kể bậc mầm non của quận thiếu khoảng 17 GV. Huyện Hòa Vang thiếu 42 GV tiểu học trong khi bậc học này tăng 34 lớp so năm học trước; huyện dự kiến tuyển hơn 40 GV nhưng số dự tuyển chỉ hơn 30 hồ sơ.

Nan giải với tình trạng thiếu giáo viên - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong năm học 2016-2017 thiếu hơn 1.600 GV, đến cuối năm 2017, các địa phương đã thi tuyển hơn 1.000 GV nhưng dù được tuyển bổ sung thì nhiều địa phương vẫn chưa đủ GV. Đặc biệt, năm học 2018-2019, dù nhiều trường thiếu GV nhưng phải cắt hợp đồng với nhiều GV đang đứng lớp do thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Ngãi không ký hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ hưởng lương từ ngân sách vào cuối năm 2018. Tại huyện miền núi Tây Trà, theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện, bước vào năm học 2018-2019, toàn huyện thiếu 91 GV và nhân viên, trong đó thiếu 45 GV đứng lớp. Đặc biệt, GV bộ môn tiếng Anh thiếu khá trầm trọng. Tại huyện Trà Bồng, toàn huyện thiếu khoảng 47 GV đứng lớp.

Trước việc thiếu GV, ông Trà Đình Thứ - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng - cho biết sẽ tính toán phương án bổ sung là hợp đồng thời vụ với cả một số GV có trình độ trung cấp. Theo ông Thứ, huyện Hòa Vang có rất ít sinh viên tốt nghiệp hay đi học ngành sư phạm nên nguồn tuyển GV luôn thiếu. "Vừa rồi, huyện đề xuất hạ chuẩn và UBND TP Đà Nẵng chỉ cho phép hạ chuẩn bậc mầm non được tuyển cả trình độ CĐ còn tiểu học vẫn tối thiểu phải tốt nghiệp ĐH" - ông Thứ nói.

"Nếu không được ký hợp đồng bổ sung cho những GV còn thiếu, thật sự rất khó khăn cho địa phương. Để giải bài toán này, chúng tôi buộc phải giảm quy mô bán trú để tập trung đưa GV về các điểm trường còn thiếu. Tuy nhiên, điều này cũng đi ngược chủ trương của ngành, chất lượng giáo dục đi xuống. Nhưng nếu không làm vậy, các điểm trường sẽ không đủ GV đứng lớp" - ông Trần Minh Diệp, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trà Bồng, chia sẻ.

Tình trạng thiếu GV không chỉ có ở miền núi mà diễn ra ở cả đồng bằng và đa phần thiếu ở cấp tiểu học và mầm non. Ở Quảng Ngãi là các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ - mỗi nơi thiếu vài chục GV.

"Để giải bài toán thiếu GV, một số trường chấp nhận cho GV dạy các môn thể dục, nhạc, họa… đứng lớp thay tạm thời, đợi bổ sung biên chế. Ngoài ra, các trường tự linh động ký hợp đồng lao động với GV đã hết hợp đồng để giải quyết tình trạng cấp bách chứ không còn cách nào khác" - một hiệu trưởng trường tiểu học ở huyện Nghĩa Hành cho biết.

Theo ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, nguồn biên chế viên chức phân bổ cho các huyện đã hết nên các trường sẽ phải tiếp tục hợp đồng với GV. Các huyện sẽ rà soát, xác định vị trí việc làm, xác định thừa thiếu bao nhiêu chỉ hợp đồng bấy nhiêu. Thiếu vị trí nào, hợp đồng vị trí đó.

Trong các buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng và Thành ủy TP Đà Nẵng mới đây về tình hình năm học mới, đại diện một số phòng GD-ĐT đề xuất hạ chuẩn khi thi tuyển vào biên chế GV. Tuy nhiên, ông Võ Ngọc Đồng Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, trả lời là không được bởi chuẩn tuyển hiện tại của Đà Nẵng không cao và phải giữ nguyên để bảo đảm chất lượng giáo dục. 

Bảo Ngọc (t/h)