Theo báo cáo sơ bộ, quý III năm 2018, các đơn vị chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 79.515 vụ việc vi phạm, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2017, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 6.451 tỷ đồng, bằng 83% so với cùng kỳ 2017, khởi tố 284 vụ, 339 đối tượng.

Đáng lưu ý, trong tháng 11 này, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng: Hải quan, Biên phòng, Công an kiểm tra, xử lý 5 container chứa hàng hóa có dấu hiệu của tội buôn lậu. Vụ việc đang được cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Nhiều vụ việc lớn như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra một số cơ sở kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hóa tại Kiên Giang, Long An, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng…đã được cơ quan Quản lý thị trường phát hiện và xử lý.

Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả - Hình 1

Lực lượng Quản lý thị trường dự báo, trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Để góp phần đảm bảo thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Đồng thời, nắm vững diễn biến hình hình hoạt động này theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn; xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm tới các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường.

Hà Trần