Trong hoạt động SXKD, nguồn vốn là tiền đề để DN khởi nghiệp, duy trì và mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính lại luôn là trở ngại lớn nhất đối với DNNVV, đặc biệt là các DN có quy mô siêu nhỏ.

Bởi các DNNVV, DN mới thành lập không có tài sản thế chấp; chưa chứng minh được tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh doanh và khả năng sinh lời…; do đó, các ngân hàng rất thận trọng khi cho các DN này vay vốn để tránh nợ xấu.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của các DNNVV trong phát triển kinh tế, Chính phủ, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, nhất là vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhằm hỗ trợ cho DNNVV phát triển SXKD như: Nghị quyết 35 của Chính phủ, Nghị quyết 04 của tỉnh về hỗ trợ phát triển DN; Luật hỗ trợ DNNVV…

Bám sát chỉ đạo và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều quyết định, thông tư, hướng dẫn tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn vay phát triển và mở rộng SXKD.

Cụ thể, quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó, DNNVV được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thấp hơn 1% - 2%/năm so với các lĩnh vực SXKD thông thường; ban hành các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành/lĩnh vực như cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, chuẩn hóa quy trình thu thập khai thác thông tin khách hàng, qua đó, nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá tín nhiệm và tăng cường cho vay không có tài sản đảm bảo, triển khai các chương trình kết nối Ngân hàng - DN nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Triển khai chương trình, tín dụng ưu đãi cho DNNVV các ngân hàng trên địa bàn đã nghiên cứu vận dụng linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận vốn vay, tránh tình trạng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ nằm trên giấy.

Đại diện Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Vĩnh Phúc cho biết: Nhằm hỗ trợ, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các DNNVV, thời điểm này ABBank đang triển khai chương trình “Nhận vốn ưu đãi - Kinh doanh siêu lãi” có tổng hạn mức giải ngân 4.000 tỷ đồng, với lãi suất điều chỉnh giảm chỉ còn 5,9%/năm cho khách hàng có nhu cầu về khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng để nhanh chóng bổ sung vốn phục vụ các hoạt động tái SXKD do bị ảnh hưởng dịch Covid - 19, hoặc đầu tư tài sản cố định, máy móc thiết bị, nhà xưởng...

Hay chương trình “SME - Tiếp vốn đầu tư” được ABBank thiết kế riêng cho khách hàng DNNVV có nhu cầu về vốn trung, dài hạn từ 24 tháng trở lên với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,5%/năm cho 6 tháng đầu tiên hoặc 9,5%/ năm cho 12 tháng đầu tiên. Nhờ đó, dư nợ khách hàng DN của ABBank Vĩnh Phúc thời gian qua tăng lên đáng kể, hiện đạt hơn 230 tỷ đồng.

Cùng với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ và cho khách hàng DN vay mới, Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT (Agribank) chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai gói vay ưu đãi cho DNNVV với tổng hạn mức giải ngân lên đến 30.000 tỷ đồng, lãi suất hấp dẫn 4,8%/năm đối với vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với vay trung, dài hạn; gói vay ưu đãi dành cho khách hàng XNK, với tổng hạn mức 15.000 tỷ đồng…

Ngân hàng cũng chấp nhận bên thứ 3 đứng ra bảo lãnh để DN vay vốn. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Quang Minh Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên) - DN chuyên kinh doanh bia, nước giải khát chia sẻ: “Những năm gần đây, thủ tục vay vốn và thái độ phục vụ ở Agribank Vĩnh Phúc luôn thuận lợi, hòa nhã.

Đặc biệt, để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, từ năm 2020 đến nay Agribank Vĩnh Phúc đã 2 lần giảm lãi suất, sự điều chỉnh kịp thời này giúp DN giảm bớt phần nào gánh nặng về tài chính.

Mong rằng, Nhà nước, Agribank Vĩnh Phúc tiếp tục có những chính sách ưu đãi và duy trì lãi suất ở mức hiện tại giúp “sức khỏe” của DN nhanh chóng phục hồi”.

Từ thực tế cho thấy, cơ chế, chính sách về tín dụng ngày càng thông thoáng, thuận lợi, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV.

Hiện, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang cho 2.750 DNNVV vay vốn với dư nợ gần 21.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2020; chiếm hơn 22% dư nợ cho vay toàn địa bàn; chiếm hơn 47% dư nợ cho vay DN.

Để nâng cao khả tiếp cận tín dụng, hỗ trợ các DN, nhất là DNNVV ổn định SXKD trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và dịch Covid - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn làm tốt công tác huy động nguồn, thực hiện cân đối nguồn vốn, triển khai các gói vay ưu đãi, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ SXKD của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp.

Cùng đó, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN; tiếp tục cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến vay vốn và sử dụng dịch vụ.

PV