Dự án “Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) từ nguồn tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các khu công nghiệp tham gia dự án thực hiện các cơ hội khu công nghiệp sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường, kinh tế cho doanh nghiệp thông qua hàng loạt các hoạt động đào tạo tập huấn tăng cường năng lực thực hành về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp.
Để phổ biến thông tin đến các sở, ban ngành liên quan của địa phương, công ty hạ tầng phát triển khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hiệp Phước về chương trình hoạt động và các cơ chế hỗ trợ của Dự án, Ban quản lý Dự án Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức Hội thảo Tập huấn nâng cao năng lực hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Cộng sinh công nghiệp.
Tại Hội thảo, các chuyên gia UNIDO và Việt Nam đã chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá khu công nghiệp sinh thái theo khung khổ quốc tế, quản lý khu công nghiệp sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái; khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp.
Trình bày về phương pháp tiếp cận hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, bà Nguyễn Thị Truyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài nguyên và Môi trường (NERC) chia sẻ: Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn cho hàng trăm doanh nghiệp, tôi thấy rằng, sản xuất sạch hơn không ở đâu xa, mà len lỏi trong chính công việc hàng ngày của người công nhân. Nếu ban lãnh đạo doanh nghiệp có sự quyết tâm, quản lý tốt, hình thành được đội sản xuất sạch hơn, hoạt động hiệu quả với sự tư vấn của các chuyên gia lành nghề, đồng thời liên tục đào tạo hướng dẫn, thiết lập hệ thống giám sát dữ liệu, bên cạnh đó không ngừng cải tiến trong quá trình sản xuất và thực hiện giải pháp kỹ thuật, biến hoạt động này trở thành một cấu phần trong hoạt động sản xuất của mình thì RECP chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho doanh nghiệp.
Ông Đinh Mạnh Thắng - Chuyên gia của VNCPC cho biết: Dự án đánh giá về khả năng chuyển đổi từ mô hình khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái nhằm phát hiện cơ hội cộng sinh công nghiệp thực hiện tại 3 địa phương Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy, có rất nhiều cơ hội cho mô hình cộng sinh công nghiệp và bản thân các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến mô hình này. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý hiện đang ảnh hưởng rất lớn đến phát triển khu công nghiệp sinh thái và mô hình cộng sinh công nghiệp tại các khu công nghiệp. Đơn cử như vấn đề nước thải, nước thải loại A thì luật không cho phép tự chuyển cho công ty khác mà phải qua khu trung tâm, sau đó mới quay ngược trở lại cho doanh nghiệp cộng sinh, thành ra đường nước vòng vèo và phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề phòng cháy chữa cháy, đây không phải là vấn đề khu công nghiệp có thể giải quyết mà liên quan đến công an và bộ phận xử lý nước thải, nên cũng gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện những dự án cộng sinh.
Ban tổ chức kỳ vọng Hội thảo sẽ góp phần chuẩn bị cho kế hoạch nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên cả nước, phát huy vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Việc triển khai các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch đã giúp nhiều doanh nghiệp thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm, giảm phát thải ra môi trường.
Anh Minh