THCL - Liên minh châu Âu vừa lên tiếng đã chỉ trích Tây Ban Nha vì cho phép biên đội tàu sân bay Nga cập cảng của nước mình tiếp nhiên liệu.

Tây Ban Nha định cho phép biên đội tàu Nga vào cảng tiếp liệu

Tờ The Daily Telegraph của Anh cho biết, giới chính trị gia và quân sự phương Tây đã chỉ trích kịch liệt Tây Ban Nha vì nước này sẽ cho phép biên đội tàu chiến của Nga tiếp nhiên liệu ở Ceuta, một vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Tây Ban Nha, nằm ven bờ nam Địa Trung Hải, giáp Morocco, thuộc Bắc Phi.

Biên đội 8 tàu này bao gồm tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov”, tuần dương hạm “Peter Đại đế” và 2 tàu khu trục chống ngầm Severomorsk và “Phó Đô đốc Kulakov” cùng một số tàu khác, thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương được điều động đến bờ biển Syria ở Địa Trung Hải.

Biên đội tàu của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ hợp với nhóm tàu Nga thuộc Hạm đội Biển Đen, do tuần dương hạm Moskva thống lĩnh, đã hiện diện ở đây từ hồi năm ngoái, cùng tham gia chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria,

Lực lượng này trước hết sẽ đảm nhận nhiệm vụ chống hạm, chống ngầm, lập ô phòng không hạm đội trên toàn bộ vùng biển phía Đông Địa Trung Hải nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho căn cứ không quân Nga ở Hmeymim và căn cứ hải quân Tartous, thuộc tỉnh Latakia của Syria.

Đến sáng hôm 26/10, nhóm tàu Nga đã vượt qua eo biển Gibraltar - eo biển phân cách 2 lục địa châu Âu và châu Phi, nối thông Địa Trung Hải với Đại Tây Dương, chuẩn bị vào cảng Cueta để tiếp nhiên liệu, để sau đó tiếp tục hành trình đến bờ biển Syria.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha ra thông báo cho biết, nước này thường xuyên nhận được yêu cầu từ Moscow, cho phép tàu quân sự của Nga tiếp nhiên liệu tại các cảng biển thuộc chủ quyền của Madrid ở Địa Trung Hải, trong đó có cảng Cueta ở Bắc Phi.

Biên đội tàu sân bay Nga trên đường hành quân đến Syria gặp nhiều trắc trở

Hơn 50 tàu quân sự Nga đã ghé cảng này của Tây Ban Nga kể từ tháng 4/2010 khi căn cứ hải quân này mở cửa để phục vụ các tàu từ các nước khác.

Hồi tháng 8/2015, tàu ngầm diesels-điện lớp Varshavyanka (Kilo) của Nga mang số hiệu B-261 "Novorossiysk" cũng vào tiếp nhiên liệu ở cảng Ceuta, sau đó tiếp tục vào Địa Trung Hải và tới Biển Đen để gia nhập lực lượng của Hạm đội này.

Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha tuyên bố, nước này sẽ tiếp nhận nhóm tàu Nga tại các cảng của mình trong khuôn khổ "chuyển hướng thường xuyên" để tiếp nhiên liệu và để cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi.

Madrid khẳng định rằng, việc cho phép tàu chiến Nga cập cảng không nằm trong hình thức xử phạt do EU đề xướng và hoạt động này cũng không vi phạm các thỏa ước của NATO.

Các chuyên gia ước tính, mỗi chuyến thăm của biên đội tàu Nga tương tự như lần này sẽ đem về cho thành phố Cueta hơn 270.000 bảng Anh, tương đương 330.237 USD tiền phí neo đậu, tiếp nhiên liệu, vật tư và tiền chi tiêu của thủy thủ trong suốt thời gian của họ trên đất liền.

Trong bối cảnh tình hình đối đầu giữa Nga với Mỹ và NATO ở Syria đang đến hồi căng thẳng nhất, hành động này của Tây Ban Nha đã vấp phải phản ứng dữ dội của Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu, đặc biệt là từ các chính khách Anh - đối thủ lớn nhất của Tây Ban Nha.

Họ cho rằng, Tây Ban Nha là một thành viên của Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà NATO đang đối mặt với thách thức từ Nga, không chỉ ở Baltic, do đó, đây không khác gì hành động “tiếp tay cho địch”, đồng thời kêu gọi Madrid phải thu hồi ngay lập tức giấy phép nhập cảng của nhóm tàu Nga.

Tờ The Daily Telegraph đưa tin rằng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gerald Howarth nói rằng, việc cho phép tàu Nga nạp nhiên liệu là "hoàn toàn không thể chấp nhận", còn cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt gọi đó là hành động "bê bối" nhất đối với 1 quốc gia NATO.

Cựu chỉ huy các lực lượng hải quân Vương quốc Anh Alan West cũng đăng đàn tuyên bố hành động của Tây Ban Nha là "bất thường" vì các biện pháp trừng phạt hiện đang có hiệu lực chống lại Moscow,

Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO cho biết rằng, nhóm tàu ​​sân bay này sẽ cập cảng Tartous của Syria và sẽ được bổ sung thêm một số máy bay từ Nga sang, sau đó nó có thể được sử dụng để “ném bom dân thường trong thành phố Aleppo”, nơi 275.000 người đang bị mắc kẹt.

Cảng Cueta nằm ở cửa ngõ Gibraltar - eo biển ngăn cách lục địa Âu-Phi, nối thông Địa Trung Hải với Đại Tây Dương

Ông cho biết, Tây Ban Nha hồi tuần trước đã ký vào tuyên bố chung của Liên minh châu Âu về tội ác chiến tranh của Nga ở Aleppo. Do đó, nếu Tây Ban Nha giúp tiếp nhiên liệu cho đội tàu trên đường đến Syria “thực hiện nhiều hành động tàn bạo” là điều “thiếu nghiêm túc”.

Trước sức ép cực lớn của các đồng minh phương Tây, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết, các tàu của Nga đã được phép sử dụng cảng Ceuta kể từ năm 2011, tuy nhiên các đề nghị tiếp liệu đều được xem xét trong từng trường hợp cụ thể và có tham khảo ý kiến của đồng minh.

Sau đó, vào cuối ngày 26/10, chính phủ Tây Ban Nha đã ra thông báo rằng, họ “có thể xem xét lại các quyết định trên”. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng khẳng định, Đại sứ quán Nga tại Madrid thông báo, Nga đã rút lại đề nghị cho biên đội tàu vào cảng Cueta, nhưng không nêu lý do tại sao.

Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng cho biết thêm rằng, yêu cầu của hải quân Nga sẽ được xem xét trên cơ sở "theo từng trường hợp, tùy thuộc vào đặc điểm của tàu liên quan".

Một nguồn tin hải quân cho biết, rất có thể tàu sân bay Kuznetsov, tuần dương hạm Pyotr Velikiy và 2 tàu khu trục Nga sẽ không cập bến Ceuta, nhưng tàu chở dầu và tàu hộ tống đi kèm của nó thì có thể.

Huy Bình - Motthegioi