Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát; Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; song, giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và đời sống của Nhân dân.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; kịp thời khắc phục, giải quyết những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thực hiện các mục tiêu đề ra và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Kinh tế phục hồi nhanh và tăng trưởng cao, nhiều chỉ tiêu đạt khá so với kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 13,41%, đứng thứ ba cả nước, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,93%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,3%; dịch vụ tăng 7,8%; thuế sản phẩm tăng 36,06%.

Trong 6 tháng đầu năm, có thêm 38 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh lên 196 sản phẩm, trong đó có 01 sản phẩm OCOP cấp quốc gia; có thêm 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Sầm Sơn); 05 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Thanh Hoá có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước
Thanh Hoá có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 13,41%, đứng thứ ba cả nước.

Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, trong 06 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước đón 6,82 triệu lượt khách du lịch, gấp 2,3 lần cùng kỳ (trong đó có 44,6 nghìn lượt khách quốc tế, gấp 2,2 lần cùng kỳ)…Thu ngân sách nhà nước gần đạt dự toán cả năm và tăng cao so với cùng kỳ; ước đạt 26.334 tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán, tăng 63,4% so với cùng kỳ. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 69.056 tỷ đồng, bằng 47,6% kế hoạch, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Đến ngày 18/06/2022, có 1.663 doanh nghiệp mới được thành lập, bằng 55,4% kế hoạch, tăng 42,3% so với cùng kỳ, đứng thứ 6 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới; tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 17.863 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.

Văn hóa – xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới và đạt kết quả tích cực, toàn tỉnh kết nạp 1.850 đảng viên mới, bằng 61,6% kế hoạch; có 829 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2022 -2025, đạt tỷ lệ 8,11%....

Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước đón 6,82 triệu lượt khách du lịch, gấp 2,3 lần cùng kỳ
Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, trong 06 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước đón 6,82 triệu lượt khách du lịch.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 06 tháng cuối năm 2022, tỉnh Thanh Hoá đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2022.

Trong đó, tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022; hoàn thành các quy hoạch, cơ chế, chính sách lớn, tạo cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu thu ngân sách năm 2022 tăng so với số thu thực hiện năm 2021. Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường.

Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp.

Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá cho rằng: Trong 6 tháng đầu năm, với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả bước đầu và rất quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Những kết quả 6 tháng mới chỉ là bước đầu, nên không được thỏa mãn, chủ quan, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ những hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng nêu lên những giải pháp trong việc điều hành của UBND tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức đang e dè, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, trong lĩnh vực y tế…

Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phát biểu ý kiến đóng góp vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh và hệ thống chính trị nhằm thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022 trong bối cảnh vừa có thời cơ thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó có 5 khó khăn, thách thức đó là: Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta cũng như tỉnh ta; thiên tai, dịch bệnh thì diễn biến khó lường; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao làm ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực; có một số thể chế không còn phù hợp với sự phát triển; một số cán bộ, đảng viên, Nhân dân, trong đó đáng lưu ý một số cán bộ, đảng viên chưa tiền phong, gương mẫu mà còn vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phải xử lý kỷ luật ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, đơn vị.

Trên cơ sở phân tích những khó khăn, thuận lợi tác động đến thực hiện nhiệm vụ của tỉnh từ nay đến cuối năm,  Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh cần xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Mỗi cơ quan, địa phương đơn vị; mỗi tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải xác định nghĩa vụ của mình phía trước còn rất nặng nề, không được chủ quan, không được thỏa mãn, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận hội nghị.

Trước mắt, những kinh nghiệm hay, những bài học quý, những cách làm hiệu quả cần phải được phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao. Đồng thời phải kiên quyết khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém mà trong báo cáo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã nêu.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, phát huy cao nhất nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

Tại hội nghị, các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào các tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về những cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gồm nhóm vấn đề về quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Nhóm vấn đề phương án, phân bổ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và thực hiện di dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh…

Nhóm vấn đề về bổ sung danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2022. Mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh...

Lê Nam