Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hoá, hiện nay, toàn tỉnh có 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn tại các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân... và khoảng 700 trang trại chăn nuôi. Từ đó đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam liên kết chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc; Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công; Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Happy Farm Việt Nam liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn...

Trong bối cảnh chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ khá bấp bênh về đầu ra của sản phẩm, nhất là mối đe dọa từ dịch bệnh thì phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn đang mang lại những hiệu quả kinh tế thiết thực.

Theo đó, việc phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung đã góp phần chuyển dịch về cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa chủng loại vật nuôi; đồng thời, giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế và giúp người chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để tạo động lực giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi, chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa nhằm tạo quỹ đất liền kề để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân... tạo tâm lý yên tâm để người dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi.

Việc tạo được quỹ đất còn là điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định và phát triển bền vững. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ việc sử dụng các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi; thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi, kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, sử dụng men vi sinh...

Để các khu, cụm trang trại phát huy tối đa hiệu quả sản xuất, chính quyền địa phương cần tạo ra được sự gắn kết các hộ chăn nuôi trong khu trang trại nhằm chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; phòng, chống dịch bệnh và liên kết với nhau trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Trước đó, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2022 với mục đích nhằm khai thác, sử dụng nguồn lực và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh và nhu cầu đa dạng của từng thị trường để phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Gắn với chuỗi giá tri, nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.

Tỉnh Thanh Hoá khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; mô hình liên kết chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Rà soát, đánh giá xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di rời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.

Bên cạnh đó, chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại hoặc liên kết các hộ thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển chăn nuôi ứng dụng khoa học, công nghệ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi…

Lê Nam