Nguồn tin cho biết, sắc lệnh sẽ cấm hoạt động kinh doanh với các công ty và quốc gia tham gia cơ chế trần giá mà không đưa ra định nghĩa chính xác về cách thức tham gia vào cơ chế như vậy. Về cơ bản, sắc lệnh sẽ cấm mọi yếu tố liên quan đến trần giá trong các hợp đồng đối với dầu thô hoặc sản phẩm của Nga.
Liên minh Châu Âu đang tranh luận để thống nhất về mức trần giá nên nghiêm ngặt như thế nào. Hôm thứ Sáu (25/11), các nhà ngoại giao đã hoãn lại các cuộc đàm phán về mức trần giá đề xuất khoảng 65 USD/thùng, cao hơn nhiều so với giá dầu thô xuất khẩu chính hiện tại của Nga. Những bất đồng về mức giá vẫn tồn tại và các cuộc đàm phán đã bị hoãn lại đến thứ Hai (28/11).
Trong khi đó, hiện vẫn không rõ mức độ ảnh hưởng của cơ chế trần giá hoặc sắc lệnh đáp trả của Nga đối với hoạt động thương mại liên quan tới dầu vì những người ủng hộ chính thức của biện pháp này đã hạn chế mua dầu của Nga. Chính sách này thực sự nhằm vào những người tiêu dùng lớn khác như Ấn Độ, những người không được tiếp cận với bảo hiểm phương Tây và các dịch vụ vận chuyển khác nếu họ trả nhiều hơn mức giới hạn cho dầu thô của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và một số quan chức khác đã nhiều lần nói rằng, Nga sẽ không cung cấp năng lượng cho những người tham gia cơ chế trần giá. Thay vào đó, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết vào đầu tuần này nước này sẽ chuyển hướng cung cấp dầu của mình cho “các đối tác định hướng thị trường” hoặc giảm sản lượng.
Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia lớn khác đã không tham gia vào cơ chế trần giá. Cho tới thời điểm hiện tại, có vẻ như các quốc gia này đang không gặp vấn đề gì khi tiếp tục mua dầu của Nga vì đề xuất mức trần gần đây đang cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện tại.
Hạc Hiên/theo báo chí nước ngoài