Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel hội đàm ở Schloss Meseberg
Giải quyết bằng đối thoại
Trước khi hội đàm ở Schloss Meseberg, ngoại ô thủ đô Berlin (Đức), 2 nhà lãnh đạo đã có cuộc họp báo. Tại đây, bà Merkel nói: “Theo ý kiến cá nhân của tôi, các vấn đề tranh cãi chỉ có thể được giải quyết bằng đối thoại và thông qua đối thoại”. Về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức, đồng ý với quan điểm cần sớm hoàn thành dự án, bà Merkel cho rằng Ukraine phải tiếp tục đóng vai trò làm trung chuyển khí đốt tới châu Âu nếu dự án này đi vào hoạt động. Trong khi đó, Tổng thống Putin nhắc lại rằng Nga luôn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho châu Âu và đã có những đóng góp đáng kể vào an ninh năng lượng của lục địa già, đồng thời khẳng định năng lượng là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Nga và Đức. Ông Putin cũng khẳng định dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn toàn đơn thuần là một dự án kinh tế. Hai nhà lãnh đạo cùng nhất trí không nên chính trị hóa dự án này. Mỹ phản đối dự án trên vì tin rằng điều này sẽ làm gia tăng dự phụ thuộc năng lượng của Đức vào Nga trong khi Ukraine lo ngại rằng đường ống này sẽ cho phép Nga loại Kiev khỏi vai trò trung chuyển.
Trong một thông báo, Điện Kremlin cho biết, cuộc gặp đã diễn ra rất thực chất, với nhiều vấn đề quan trọng được lãnh đạo hai nước thảo luận chi tiết và đạt được nhất trí như đã được nêu trước cuộc gặp. Về thỏa thuận hạt nhân Iran, hai nhà lãnh đạo cho rằng Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) cho chương trình hạt nhân của Iran nhằm tăng cường an ninh khu vực và toàn cầu cần phải được duy trì. Thủ tướng Merkel cho biết Đức sẽ theo dõi các hoạt động của Iran trong khu vực. Ngoài ra, lãnh đạo 2 nước cũng thảo luận về việc thiết lập một cơ chế đối thoại gồm Nga - Đức - Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria, trước hết ở cấp chuyên viên và trợ lý.
Sẵn sàng hợp tác thương mại
Cũng tại cuộc gặp, Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức cũng thảo luận về cách thức tăng trưởng thương mại song phương. Tổng thống Putin đã tái khẳng định cam kết hợp tác với doanh nghiệp Đức khi có tín hiệu cho thấy giới doanh nhân Đức muốn mở rộng hoạt động tại Nga. Hành động này cho thấy Đức sẵn sàng mở rộng quan hệ thương mại, kinh tế với Nga trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên nước này. Hai bên đã bày tỏ quan ngại trước việc một số quốc gia có những quyết định áp thuế không thể đoán trước, vốn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.
Trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra lần này, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp tại thành phố Sochi (Nga) vào tháng 5 năm nay. Nhận định về quan hệ giữa Nga và Đức, giới phân tích cho rằng, dù có những lúc thăng trầm, nhưng Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel luôn tìm được tiếng nói chung ngay cả vào thời điểm phương Tây đang không mặn mà với Nga. Lý do là quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Ukraine chưa được giải quyết, việc duy trì các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục là rào cản để hai bên cải thiện quan hệ. Dư luận châu Âu từng lên tiếng chỉ trích các bước đi của Thủ tướng Angela Merkel đối với Nga và cho rằng nước này đang phản bội lại châu Âu. Giới phân tích cho rằng, dù hội nghị thượng đỉnh Nga - Đức không phải là sự chuyển hướng thực sự trong quan hệ hai bên, nhưng nó phản ánh kỳ vọng của hai nước mong muốn cài đặt lại mối quan hệ trên nền tảng những lợi ích thực tế sau nhiều năm căng thẳng.
Theo SGGP