Ném đá dò đường

Trang rbc.ru của Nga vừa có bài phân tích về chính sách của nước này tại khu vực Trung Đông sau chuyến công du của Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Theo đó, Nga mới chỉ thử vai chứ chưa thực sự có các bước đi quyết định.

Kết thúc chuyến công du vùng Vịnh bằng chuyến thăm Qatar, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow không có đề xuất mới nào cho cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay ở vùng Vịnh trong bối cảnh căng thẳng giữa Qatar với các nước láng giềng Arab đã sắp sang tháng thứ ba.

Nga khẳng định sức mạnh và chính nghĩa tại Trung Đông - Hình 1

Ngoại trưởng Nga S. Lavrov (phải) với người đồng cấp Qatar Khalid bin Mohammad Al Attiyah

 Phát biểu trước báo giới sau các cuộc thảo luận với giới chức Qatar, Ngoại trưởng Nga cho biết Moscow không đưa ra ý kiến mới nào giải quyết khủng hoảng tại vùng Vịnh và không cho đây là việc cần thiết. Theo ông Lavrov, Moscow ủng hộ những nỗ lực trung gian của Kuwait.

Ông kêu gọi các bên liên quan từ bỏ ngôn từ quân sự và cần tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng “thông qua đối thoại, thông qua nhượng bộ”.

Hôm 28/8, ông Lavrov tuyên bố Nga không dự định cạnh tranh với bất kỳ ai trong cuộc khủng hoảng Qatar, nhất là với Kuwait. Ông nói: “Chúng tôi có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước hiện đang rơi vào tình huống không đơn giản này”.

Chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Maxim Suchkov giải thích, chuyến thăm của ông Lavrov tới các nước vùng Vịnh cho thấy Moscow hiện chỉ “tuyên bố sẵn sàng làm trung gian, nếu những nỗ lực của Kuwait không thành công”.

Theo ông Suchkov, chuyến công du của ông Lavrov có mục đích tìm hiểu xem khu vực này sẵn sàng đón nhận vai trò trung gian của Nga như thế nào. Tạm thời các hoàng gia vùng Vịnh chưa thể hiện mối quan tâm đó vì không muốn mở ra cho Nga cơ hội mới tại khu vực.

Nga khẳng định sức mạnh và chính nghĩa tại Trung Đông - Hình 2

Hình ảnh sầm uất của thủ đô Doha, Qatar - nơi được Nga ném viên đá dò đường để mở rộng ảnh hưởng

 Ông Suchkov cũng nghi ngờ thành công của Mỹ trong vai trò trung gian, do đó có thể nói về “cuộc cạnh tranh chiến lược trung gian” giữa Moscow và Washington.

Giám đốc Viện phân tích xung đột Trung Đông Viện Mỹ và Canada Aleksander Shumilin nhận định Nga không chắc có thể trở thành một trung gian hoàn hảo ngang với Mỹ trong khủng hoảng Qatar.

Qatar muốn Nga tham gia, nhưng các đối thủ của Qatar lại không muốn, vì thực tế Moscow là liên minh của Iran – kẻ thù chung của tất cả các hoàng gia vùng Vịnh, trừ Qatar. Ông Shumilin đánh giá chuyến công của ông Lavrov là để thể hiện các dự định gìn giữ hòa bình.

Còn về việc vấn đề Syria được thảo luận trong chuyến công du này và được ông Lavrov luôn nhắc đến khi tổng kết mỗi chặng dừng chân, giới quan sát cho rằng điều này cho thấy ông Lavrov muốn được tin chắc rằng sáng kiến của Nga về Syria không bị phá vỡ do cuộc khủng hoảng ở Qatar, nước có ảnh hưởng đến một bộ phận của phe đối lập Syria, trước ngưỡng cửa cuộc đàm phán về Syria tại Geneva.

Trong khi đó, trang mạng sputnik ngày 31/8 có bài đánh giá cao thành công của Nga tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở Syria. Theo đó, những thành công của các đồng minh của Syria, đặc biệt của Nga, đang đặt Syria ở vị trí trung tâm của cuộc chơi tại khu vực Trung Đông và điều này có lợi lớn cho thế giới đa cực.

Quân đội của Chính phủ Syria, được sự hỗ trợ của Nga, đang tiến hành cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), vốn đang tập trung lớn ở khu vực phía Đông của Syria, với mục tiêu rõ ràng là giải phóng hoàn toàn thành phố Deir ez-Zor và tỉnh cùng tên.

Bài viết khẳng định rằng Syria không bị gục ngã và sẽ không gục ngã. Đây chính là thành quả trực tiếp của cuộc kháng chiến của nhân dân Syria khi đương đầu với chủ nghĩa khủng bố cũng như chủ nghĩa thực dân mới.

Các đồng minh của Syria hiển nhiên cũng đóng một vai trò hàng đầu trong cuộc chiến giành lại lãnh thổ quốc gia từ tay tổ chức khủng bố quốc tế. Các đồng minh này bao gồm Nga, Iran và lực lượng vũ trang Hezbollah. Chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi Nga tiến hành can thiệp tại Syria theo yêu cầu của Chính quyền Damascus IS đã liên tục chịu nhiều tổn thất.

Nga khẳng định sức mạnh và chính nghĩa tại Trung Đông - Hình 3

Không thể phủ nhận sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Nga tại Syria

 Câu hỏi đặt ra là tại sao trước đây IS vẫn tiếp tục mạnh bất chấp liên minh rộng lớn do Mỹ đứng đầu phát động chiến dịch can dự từ năm 2014 mà không có sự đồng ý của Chính quyền Damascus? Tại sao với số lượng phương tiện khí tài, đặc biệt là máy bay chiến đấu, lớn hơn rất nhiều so với của Nga mà liên minh này tiến hành ít hơn nhiều lần các cuộc không kích nhằm vào các phần tử khủng bố IS so với các lực lượng không quân của Nga?

Các phương tiện truyền thông phương Tây hết sức tránh đặt ra các câu hỏi đầy nhạy cảm này và có rất ít những câu trả lời cho vấn đề này. Sự im lặng tương đối của truyền thông phương Tây đối với tất cả những thành công gần đây của quân đội Syria và đồng minh trong cuộc chiến chống IS chính là bằng chứng tố giác mạnh mẽ.

Thực tế này đã buộc một số quốc gia trong khu vực đánh giá lại lập trường của họ về chính sách đối ngoại. Theo Sputnik, bất chấp việc bị Mỹ tìm cách cô lập, Nga trên thực tế hàng tuần vẫn đón tiếp đại diện của rất nhiều quốc gia đến để tìm kiếm sự ủng hộ hoặc chí ít là tăng cường quan hệ với Moscow.

Sau khi Tổng tư lệnh quân đội Lybia Khalifa Haftar đến Moscow để tìm kiếm sự hậu thuẫn về mặt quân sự của Nga, thì đại diện các quốc gia Arab khác, bao gồm cả các quốc gia về mặt truyền thống rất gần gũi với phương Tây, đã tích cực tìm cách xích lại gần Moscow, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Trong lĩnh vực này, Qatar dự định mua các hệ thống phòng không của Nga. Trong khi đó, Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất đang tiến hành đàm phán để mua hàng chục máy bay tiêm kích Su-35 đời mới nhất của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Lebanon, trong chuyến thăm gần đây đến Moscow, đã khẳng định “Lebanon tin tưởng vào sự giúp đỡ của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Nga khẳng định sức mạnh và chính nghĩa tại Trung Đông - Hình 4

Các khẩu hiệu chào mừng Tổng thống Nga V. Putin tại thủ đô Cairo của Ai Cập

 Đối với các đối tác truyền thống của Nga như Algeria thì mối quan hệ song phương giữa 2 nước không chỉ được giữ vững mà ngày càng phát triển. Mối quan hệ Nga - Ai Cập cũng được tăng cường trong các lĩnh vực khác nhau. Moroco, hiện đang tiến hành đa dạng hóa mạnh mẽ các mối quan hệ quốc tế, không hề giấu giếm việc Nga nằm trong những sự ưu tiên chính của Rabat.

Chính phủ Palestin thì mong muốn Nga đóng vai trò quan trọng hơn trong giải quyết cuộc xung đột Palestin - Israel, vốn đang phụ thuộc vào vai trò của Mỹ.

Sputnik nhấn mạnh, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã khẳng định nhiều vấn đề. Vũ khí và các chuyên gia Nga đã chứng minh tính hiệu quả tại Syria.

Moscow cũng đã chứng minh rằng trong khi Nga chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố mà không có “ẩn ý gì” thì ngược lại, một số quốc gia lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố để tăng cường can thiệp với mưu đồ của chủ nghĩa thực dân mới nhằm đạt được các mục đích địa chính trị và địa kinh tế của mình.

Nga đã nhiều lần khẳng định tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và luật pháp quốc tế, trong khi một số nước lại lấy cớ chống khủng bố để tìm cách làm sụp đổ Chính phủ hợp pháp của Syria.

Sputnik tin rằng phần lớn thế giới Arab đang nhìn nhận Nga và việc hình thành thế giới đa cực là giải pháp cho nhiều vấn đề mà họ đang phải đối mặt như vấn đề an ninh hay sự can dự của các tác nhân vào các vấn đề nội bộ.

Đông Triều - Baodatviet