Cơ hội cho Nga

Ngày 6/5, Lebanon đã tiến hành bầu cử quốc hội lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua. Báo chí phương Tây, trong đó có tờ Newsweek cáo buộc Nga đang lặng lẽ coi đây là địa bàn tiềm năng để thiết lập ảnh hưởng ở Trung Đông và tiến vào Địa Trung Hải.

Theo đó, trong lúc các lực lượng phiến quân ở Syria bị dồn vào đường cùng và việc Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục giành lại các vùng đất bị chiếm giữ, Nga đã theo đuổi một cuộc đàm phán thận trọng với Lebanon về một hợp đồng bán vũ khí trị giá 1 tỷ USD với thời hạn thanh toán trong vòng 15 năm và lãi suất 0%.

Trở ngại được chỉ ra là Lebanon không giống Syria vì có cấu trúc chính trị bấp bênh nên Nga không thể tìm được nhà lãnh đạo ổn định nào để hậu thuẫn và xúc tiến thỏa thuận. Do đó, đề xuất bán vũ khí của Nga được cho là vẫn chỉ nằm trên giấy.

Nga lặng lẽ ra tay ở Lebanon, phương Tây bối rối - Hình 1

Một tấm biển cỡ lớn giới thiệu về Tổng thống Nga Putin cho cuộc bầu cử ngày 18/3 xuất hiện tại thành phố Tyre, miền Nam Lebanon

Giới phân tích phương Tây cho rằng kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm khôi phục quân đội và ảnh hưởng chính trị của Nga thoát khỏi thời kỳ hôn mê sau sự sụp đổ của Liên Xô hồi thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã đặt ông vào tình thế xung đột với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Ở Trung Đông, sự cạnh tranh cũng đang diễn ra. Nga không chỉ giành được một chiến thắng gần như toàn diện ở Syria mà còn đảm bảo sự hiện diện quân sự lâu dài ở Địa Trung Hải bằng cách thành lập một lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở khu vực này và thuê 2 căn cứ quân sự ở ven biển - gồm căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân ở Tartus.

Trong khi sự tập trung sức mạnh lục quân, không quân và hải quân của Nga tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá hủy các mục tiêu của IS trên khắp Syria, nó cũng mang lại cho Nga một vùng đệm mạnh nhìn xuống sườn phía Nam của NATO ở khu vực Địa Trung Hải.

Báo chí Mỹ thì dẫn lại các bản tin của Sputnik bằng tiếng Arab và tờ Al Mayadeen thân Syria hồi tháng 2/2018 ám chỉ việc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ra lệnh cho quân đội Nga xem xét thiết lập quan hệ quốc phòng với Lebanon, đặc biệt là mở cửa các cảng của Lebanon cho tàu chiến của Nga.

Nga lặng lẽ ra tay ở Lebanon, phương Tây bối rối - Hình 2

Nga từng tiết lộ thông tin Lebanon đã yêu cầu Moscow bán cho các loại vũ khí như tên lửa chống tăng Kornet, tăng T-72, pháo và đạn dược

Việc vắng bóng những tin tức này trên các phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh hay các phương tiện truyền thông chính thống khác và số phận không rõ ràng của hợp đồng vũ khí trị giá 1 tỷ USD có thể báo hiệu con đường vào Lebanon của Nga không diễn ra suôn sẻ như kế hoạch.

Dù chỉ là Lebanon bé nhỏ

Lebanon, vốn bị kẹt giữa cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Iran - quốc gia do người Hồi giáo dòng Shiite thống trị, và Saudi Arabia - đất nước do người Hồi giáo dòng Sunni bảo thủ cực đoan nắm quyền, và bị bao vây bởi một Syria bất ổn và kẻ thù không đội trời chung Israel, có thể là thách thức lớn nhất với Nga.

Theo hệ thống phân chia quyền lực giữa các phe phái tại Lebanon, Tổng thống là người Thiên chúa giáo dòng Maronite, Thủ tướng là người Hồi giáo dòng Sunni, Chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite.

Quốc hội Lebanon có tổng cộng 128 ghế, được phân bổ đều giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo.

Tình trạng chia rẽ trong cán cân quyền lực ở Lebanon thường dẫn đến bạo lực, đỉnh điểm là cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1975 đến 1990, trong đó nhiều chính trị gia hàng đầu và các đảng phái hiện nay của Lebanon đã tham gia.

Sang thế kỷ 21, ngòi nổ xung đột vẫn tiếp tục khi chính trường Lebanon chia thành 2 khối chính: Liên minh 8/3 và Liên minh 14/3. Liên minh 8/3 thân với Iran, đối tác chiến lược của Nga ở Syria. Tuy nhiên, không rõ liệu mối quan hệ này có mở rộng sang các đồng minh của Iran ở Lebanon hay không.

Hezbollah, phong trào Hồi giáo Shiite ở Lebanon được Iran hậu thuẫn, luôn được coi là một trong những lực lượng bán vũ trang mạnh nhất thế giới. Phong trào này cũng nắm quyền kiểm soát đáng kể ở Lebanon sau khi rút khỏi Syria hồi năm 2005, khi các liên minh 8/3 và 14/3 được thành lập.

Do những phức tạp của hệ thống phe phái ở Lebanon, Mỹ, Israel và Saudi Arabia đã bày tỏ lo ngại về việc công nhận vai trò chính thức của Hezbollah trong đời sống chính trị ở Lebanon.

Nga lặng lẽ ra tay ở Lebanon, phương Tây bối rối - Hình 3

Hezbollah là đồng minh của Iran nhưng chưa hẳn đã gần Nga

Washington đã từng muốn đối thoại với con trai của cố Thủ tướng Hariri, tức Thủ tướng đương nhiệm Saad al-Hariri, lãnh đạo phe đối lập Liên minh 14/3 do Saudi Arabia hậu thuẫn và thân phương Tây.

Không giống với Mỹ, Nga đã đưa ra cách tiếp cận đa cực đối với khu vực Trung Đông. Thay vì đầu tư tất cả các nguồn lực vào một chỗ, Moscow duy trì liên lạc thường xuyên và thân thiết với Ai Cập, Lebanon, Iran, Iraq, Israel, Qatar, Saudi Arabia, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác.

Giới thiệu các vũ khí tối tân như hệ thống phòng không S-400 cho những đối tác mua vũ khí tiềm năng ở khu vực, hay đề xuất của Nga viện trợ cho Các lực lượng vũ trang Lebanon 1 tỷ USD dường như là phần mở rộng tất yếu trong kế hoạch tăng cường ảnh hưởng của Nga.

Nga đã tiếp cận với gần như tất cả các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những nước đang có quan hệ căng thẳng với Mỹ (như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng), để đề nghị bán vũ khí.

Tại Lebanon, Nga cũng được cho là lấp khoảng trống mà Saudi Arabia bỏ lại sau khi nước này hủy gói viện trợ quân sự trị giá 3 tỷ USD hồi năm 2016, do lo ngại Chính phủ và quân đội Lebanon không muốn đối đầu Hezbollah.

 Nga lặng lẽ ra tay ở Lebanon, phương Tây bối rối - Hình 4

Sức mạnh ở Syria không giúp ích nhiều cho Nga tại Lebanon

Tuy nhiên, Nga lại không có những quan hệ gần gũi đặc biệt với Hezbollah, vì vậy thỏa thuận vũ khí này có thể là một nỗ lực nhằm hỗ trợ quân đội chống lại lực lượng dân quân Shiite liên kết với Iran, giống như cách mà Mỹ đã cố thực hiện trong quá khứ.

Theo giới phân tích phương Tây, mục tiêu chính của thỏa thuận này là nhằm biến Nga thành một nhân tố quan trọng ở Lebanon và một bên mà Mỹ giờ đây sẽ phải tính đến trong các cuộc thương lượng với các bên ở Lebanon.

Kể từ năm 2006, Mỹ đã cam kết viện trợ 1,6 tỷ USD cho Các lực lượng vũ trang Lebanon. Quân đội phi giáo phái này cố gắng giữ khoảng cách với Hezbollah, mặc dù hai lực lượng này đã hợp tác với nhau để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và Hayat Tahrir al-Sham, một nhánh cũ của Al-Qaeda, ở miền Đông Lebanon, gần biên giới với Syria.

Trong khi đó, giới phân tích phương Tây cho rằng quan hệ giữa Nga và Hezbollah cũng mơ hồ. Hai bên đã hợp tác để ủng hộ Tổng thống Syria Assad, nhưng quan hệ của Moscow với Israel và Saudi Arabia không phù hợp với "trục đối kháng" chống phương Tây bao gồm Hezbollah, Iran và Syria.

Trong khi đó, một Lebanon nhỏ bé đang bị các bên tranh giành ảnh hưởng và vẫn chưa lành vết thương từ cuộc nội chiến. Cuộc chiến ở Syria còn khiến Lebanon phải gánh chịu cuộc khủng hoảng người tị nạn và không phận Lebanon đã bị các bên tham chiến nhiều lần xâm phạm.

Với vai trò hiện nay của mình, giới phân tích phương Tây cho rằng Nga có nhiệm vụ khó khăn là ngăn chặn một cuộc chiến tranh giữa Iran và Israel.

Khi căng thẳng gia tăng, Lebanon có thể nghiêng về Nga với hy vọng Moscow có thể giúp Lebanon và khu vực tránh một cuộc chiến tranh mới mà Mỹ rõ ràng đã chọn đứng về một bên (Israel).

Theo Đất Việt