Mỹ “duy trì ổn định” chính sách phá hoại hòa bình Trung Đông
Trung Đông bắt đầu hỗn loạn với sự từ chức của Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri trong một thông báo từ Riyadh ngày 7 tháng 11 cùng với việc chính quyề Riyadh bắt giữ hàng loạt Hoàng tử, quan chức cao cấp và các nhà tài phiệt; sau đó, Saudi Arabia tiếp tục các cáo buộc Iran về hành động “xâm lược quân sự” ở Yemen, thông qua việc cung cấp tên lửa cho Houthi chống lại Saudi, UAE.
Căng thẳng gia tăng lên mức mới vào ngày 6 tháng 12 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem làm thủ đô của Israel. Từ diễn biến này, một số chuyên gia cũng cho biết, Israel, Saudi Arabia và Mỹ đang âm mưu bắt đầu một cuộc chiến tranh mới trong khu vực.
Trong môi trường không ổn định này, chính sách hiện tại của Mỹ vẫn là một trong những yếu tố gây bất ổn chính trong khu vực.
Sự kiện chấn động nhất gần đây là việc chính quyền Donald Trump phớt lờ quyền lợi của người dân Palestine để công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cũng như sự thù địch đối với thỏa thuận hạt nhân của Iran, tiếp tục là nhân tố gây căng thẳng giữa Iran-Hezbollah và Israel-Saudi Arabia.
Chính quyền Hoa Kỳ hiện nay tiếp tục kiên định các chính sách ủng hộ Israel và chống Iran ở khu vực Trung Đông, tạo ra “cảm hứng” cho cả Israel và Saudi Arabia tiếp tục đưa ra các chính sách chống Iran-Hezbollah-Houthi-Hamas một cách tích cực hơn nữa.
Mặc dù khả năng chính quyền Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran chiếm tỷ lệ rất thấp, nhưng thực tế rằng, những hành động của Mỹ vẫn tiếp tục phá hoại hòa bình trong khu vực. Thực tế là Washington vẫn đang thúc đẩy “một cuộc chiến tranh lạnh mới” và thậm chí có thể là một cuộc chiến tranh nóng ở Trung Đông.
Trong bối cảnh này, căng thẳng Ả Rập-Israel ngày càng gia tăng và mối quan hệ Israel - Hezbollah ngày càng căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân khiến tình hình khu vực ngày càng thêm tồi tệ.
Iran gia tăng ảnh hưởng, Hezbollah tăng cường thực lực quân sự
Những phát triển gần đây ở Trung Đông, bao gồm cả việc cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria sắp kết thúc; cùng với việc ảnh hưởng chính trị và khả năng quân sự của Hezbollah ngày càng gia tăng, đã thay đổi tình hình chính trị ở Lebanon.
Iran có thể sẽ tăng cường ảnh hưởng của họ ở Iraq, Syria và Lebanon, sau khi thiết lập một tuyến đường bộ nối liền Teheran, Baghdad, Damascus và Beirut. Cái gọi là “Trục Shi’a” này sẽ trở thành hiện thực, bất chấp sự phản đối quyết liệt của cả Israel lẫn các đồng minh như Saudi Arabia.
Israel lo lắng trước ảnh hưởng của Iran và sự lớn mạnh của Hezbollah
Iran cũng đã tăng cường vị trí của mình trong khu vực trong mười năm qua. Chình quyền Tehran đã tăng cường khả năng phòng không với các hệ thống S-300 (và có thể cả S-400) do Nga sản xuất, tăng cường lực lượng vũ trang và có kinh nghiệm chiến đấu tại Syria và các xung đột địa phương khác.
Ngoài các nỗ lực quân sự trên mặt đất, trọng tâm chiến lược chính của Teheran có thể là sự phát triển của quan hệ quân sự và kinh tế với cả Trung Quốc và Nga. Trong năm 2018, chúng ta cũng có thể mong đợi Iran sẽ đặc biệt quan tâm đến việc hiện đại hóa và cải cách lực lượng vũ trang của mình.
Chính quyền Tehran cũng đã củng cố vị thế chính trị-tư tưởng của nó trong cộng đồng người Shia và thậm chí cả một phần người Sunni sống trong khu vực.
Các đơn vị Hezbollah không chỉ thực hiện các chức năng của “người bảo vệ tổng thống” mà các lực lượng đặc biệt của họ và của Quân đội Lebanon đã được tích hợp với nhau.
Còn Hezbollah hiện nay mạnh hơn nhiều so với năm 2006. Tổ chức dân quân người Shiite này đã trở thành một lực lượng quân sự giàu kinh nghiệm, có khoảng 60 ngàn quân tinh nhuệ, có đủ lực lượng cần thiết và cơ sở để chống lại cuộc chiến của người Do Thái vào Lebanon.
Chiến thắng của Hezbollah ở Syria và các hoạt động nhân đạo ở Lebanon tăng sự ủng hộ của phong trào người Shi’a này trong lòng dân chúng Lebanon, khiến bất cứ kẻ thù nào cũng sẽ phải đối đầu với không chỉ 60.000 quân Hezbollah, mà còn cả hàng triệu người dân sau lưng họ.
Đây chính là nguyên nhân mà Israel không thể đánh bại Hezbollah trong cuộc chiến năm 2006 và có thể là tất cả những cuộc chiến trong tương lai.
Khó có thể xảy ra chiến tranh Israel với Iran-Hebollah
Do sự hỗ trợ ngày càng tăng của Hoa Kỳ, quân đội Israel sẵn sàng thực hiện các phản ứng quân sự tích cực đối với bất kỳ hành động nào của Hamas, Hezbollah, hoặc bất kỳ người nào trong khu vực mà Israel coi là mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia.
Hiện nay, giới lãnh đạo chính trị hàng đầu của Israel đang ở vô cùng đau đầu trước phạm vi ảnh hưởng và sự trưởng thành về khả năng tác chiến và sự mở rộng quy mô lực lượng của phong trào Hezbollah Lebanon.
Các quan chức cao cấp của Israel đã nhiều lần tuyên bố rằng chính quyền Tel Avip sẽ không cho phép Hezbollah và Iran tập trung lực lượng của họ ở các khu vực biên giới giáp với Israel và mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực, đặc biệt là ở Syria và Lebanon.
Tel Aviv tin rằng, ảnh hưởng ngày càng tăng của Hezbollah và Iran ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria và Lebanon, là một thách thức quan trọng đối với an ninh quốc gia của Israel. Nhưng tổ chức vũ trang người Shi’a này hiện đã mạnh lên nhiều và rất khó bị đánh bại.
Trong bối cảnh này, một loạt các bài tập quân sự của Quân đội Israel, bao gồm cả đợt tập trận lớn nhất "Ánh sáng của Dagan", được miêu tả là một phần của việc chuẩn bị cho cuộc tấn công có vũ trang chống lại Lebanon. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, Israel sẽ chỉ quyết định tham gia vào một cuộc xung đột lớn ở Lebanon trong trường hợp có một sự kiện vô cùng bất thường xảy ra, ví dụ như Hezbollah đột nhiên đánh tràn sang biên giới nước này từ phía biên giới Lebanon hay Syria.
Còn trong bối cảnh thông thường, Israel sẽ tiếp tục các hành động gây hấn ở cấp độ hạn chế, ví dụ như tiến hành pháo kích và không kích vào các vị trí và cơ sở hạ tầng của Hezbollah ở Syria và có thể ở Lebanon. Các lực lượng đặc biệt của Israel cũng sẽ tiến hành các hoạt động nhằm loại bỏ các thành viên hàng đầu của Hezbollah và phá huỷ cơ sở hạ tầng của phong trào này ở Lebanon và Syria.
Các hành động của Israel có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của Saudi Arabia. Rõ ràng là Riyadh muốn sử dụng một lực lượng ủy nhiệm (ví dụ như nhóm phiến quân đối lập Ahrar al-Sham ở Syria) và bí mật can dự vào cuộc chiến tranh này.
Saudi chìm trong khủng hoảng
Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Saudi Arabia, nơi Thái tử Mohammed bin Salman đã tiến hành một cuộc thanh trừng quy mô lớn những hoàng tử chống đối, các quan chức cấp cao không ăn cánh và các nhà tài phiệt có ảnh hưởng lớn nhưng thân nước ngoài, dưới cái cớ chống tham nhũng. Theo các chuyên gia, động thái này nhằm củng cố sức mạnh của Hoàng tử Mohammed bin Salman và cha ông, vua Salman.
Nhìn chung, vương quốc đang tìm cách thay đổi mô hình phát triển của nó, theo xu hướng trở thành một quốc gia thế tục hoặc dung hòa giữa Hồi giáo và thế tục. Thậm chí, trong 5-10 năm tới, Saudi Arabia thậm chí có thể từ bỏ hệ tư tưởng chính thức của nước này là dòng Hồi giáo cực đoan Wahhabism.
Chiến tranh Israel - Hezbollah có thể xảy ra nhưng nguy cơ thực tế không cao
Ngoài ra, Saudi Arabia cũng tham gia vào cuộc xung đột không thành công tại Yemen và cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar. Tình hình này gây ra căng thẳng và cạnh tranh về nguồn lực giữa các nhánh của Hoàng gia Saudi. Kết quả là, Hoàng gia Saudi hiện đang ở một vị thế yếu.
Đây là những lý do chính tại sao chính quyền Riyadh muốn tránh một sự tham gia sâu rộng trong các cuộc xung đột mới. Phần khác là nước này cũng lo ngại là luôn có những nguy cơ, ví dụ về mâu thuẫn ở Lebanon, khiến cuộc chiến có thể được chuyển tới lãnh thổ Saudi Arabia.
Về phần cuộc xung đột với Houthi, chính quyền Riyadh sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm biến Yemen thành một quốc gia bù nhìn trong tay mình, nhưng có lẽ họ sẽ không đạt được bất kỳ thành công đáng chú ý nào, ngược lại, Houthi và kho vũ khí tên lửa của họ sẽ trở thành một mối đe dọa liên tục đối với Saudi Arabia.
Do đó, trong năm tới, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy hình ảnh cả Israel và Saudi Arabia “tiếp tục các nỗ lực ngoại giao kết hợp với quân sự hạn chế” để ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông và sự lớn mạnh của Hezbollah ở Lebanon và Syria.
Lời kết:
Trung Đông năm 2018, ngoài điểm nóng Syria thì các vùng đất khác vẫn sẽ vô cùng hỗn loạn, dưới bàn tay phá hoại của Mỹ.
Trong đó, Israel và Saudi Arabia đang tiếp tục xây dựng liên minh chống Iran, với sự hỗ trợ của chính quyền Donald Trump, trong khi các lực lượng Israel sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự hạn chế đối với các mục tiêu Hezbollah ở Syria và Lebanon.
Ngược lại, Iran và Hezbollah cũng gia tăng ảnh hưởng chính trị và thực lực quân sự ở Iraq-Syria-Lebanon, hình thành một trục đối trọng với Mỹ-Israel-Saudi Arabia. Tuy nhiên, Iran cũng không muốn dẫn đến "cuộc chiến tranh mới", bởi vì một cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ gây ra một mối đe dọa trực tiếp cho an ninh quốc gia của họ.
Chúng ta có thể mong đợi rằng trong năm tới, Iran sẽ tiếp tục tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực bằng cách sử dụng chiến tranh ở Yemen, và các vị trí tăng cường tại Syria, Iraq và Lebanon để chống lại các đối thủ của nó.
Do đó, nguy cơ về một cuộc xung đột khu vực mới (ngoài Syria) nhìn chung là vẫn còn, nhưng ở mức độ không cao.
Thiên Nam - Baodatviet