Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay 7/3 cho biết, Nga đã tuyên bố với phía Ukraine rằng, Moscow sẽ ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine "ngay lập tức" nếu Kiev đáp ứng các điều kiện mà Nga đưa ra.
"Họ (Ukraine) cần phải sửa đổi hiến pháp theo đó Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định gia nhập bất cứ liên minh nào. Chúng tôi cũng đã nói với họ về việc họ nên công nhận bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga và họ cũng cần công nhận Donetsk và Lugansk là các nhà nước độc lập. Chỉ vậy thôi. Chúng tôi sẽ ngừng chiến dịch quân sự ngay lập tức", ông Peskov nói.
Đây có thể coi là tuyên bố rõ ràng nhất từ trước đến nay của Nga về các điều khoản mà nước này muốn áp đặt với Ukraine để chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt khi chiến dịch này đã bước sang ngày thứ 12.
Người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm: "Chúng tôi đang hoàn thành mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine. Chúng tôi sẽ hoàn thành mục tiêu đó. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là Ukraine cần phải ngừng các hoạt động quân sự. Họ nên ngừng các hành động quân sự, lúc đó, sẽ không còn ai nổ súng".
Những tuyên bố trên được đưa ra ngay trước thềm cuộc đàm phán lần 3 giữa phái đoàn Nga và Ukraine nhằm tháo ngòi căng thẳng. Sau hai vòng đàm phán đầu tiên, hai bên không đạt được nhiều tiến triển.
Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, chiến dịch này nhằm "phi quân sự hóa" và "giải trừ tân phát xít" ở Ukraine, bảo vệ người dân ở vùng ly khai Donbass, miền Đông Ukraine.
Trong các tuyên bố trước đó, Tổng thống Putin cũng cho biết, Nga chỉ ngừng chiến dịch khi Ukraine ngừng bắn và đáp ứng các yêu cầu của Moscow. Những đề nghị này bao gồm việc Ukraine phải giữ lập trường trung lập và duy trì trạng thái phi hạt nhân, phi quân sự hóa - phi phát xít hóa đất nước, công nhận Crimea là một phần của Nga, công nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LPR) trong biên giới hành chính của các khu vực Donetsk và Lugansk.
Hiện chưa rõ phái đoàn của Ukraine sẽ đưa ra phản hồi nào với những đề xuất của Nga tại vòng đàm phán diễn ra hôm nay. Trong khi đó, giới chức Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp trang thiết bị quân sự, hỗ trợ lập vùng cấm bay tại Ukraine và gia tăng sức ép với Nga bằng lệnh trừng phạt.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Mỹ và các đồng minh NATO đã chuyển cho Ukraine 17.000 tên lửa chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không. Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, ít nhất 14 quốc gia đã hỗ trợ an ninh cho nước này.
Theo dantri.com.vn