Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu cho thấy, tính từ ngày 16/12/2020 - 15/6/2021, các đơn vị trong toàn Cục đã tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, nắm vững địa bàn quản lý, chủ trì và phối hợp bắt giữ 139 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 53,7 tỷ đồng, thu nộp NSNN đạt hơn 3,5 tỷ đồng.

Qua đó, điều tra và ra 1 quyết định khởi tố vụ án hình sự; chuyển khởi tố 5 vụ việc; tham mưu ban hành 32 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt gần 4,3 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong 6 tháng đầu năm 2021, các nước trên thế giới vẫn đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 gây ra khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu bị ngừng trệ, cùng với tình trạng khan hiếm vỏ container trên thế giới khiến cho nhịp độ làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp giảm.

Tuy nhiên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường.

Đáng chú ý, các đối tượng thường tập trung vào một số hành vi như không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; tang vật vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Các hành vi chuyển giá, xuất khống để hoàn thuế VAT…

Một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử có hành vi không khai, khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng…, lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bảo Lâm