Trong nhiều năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã có nhiều chuyển biến tích cực, song đến nay tình trạng này vẫn chưa thể được kiểm soát hoàn toàn. Các mặt hàng vi phạm thường tập trung vào một số nhóm như: Quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, thiết bị bảo hộ y tế,…

Phương thức và cách thức vận chuyển của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi trên nhiều loại phương tiện khác nhau. Chúng thường lợi dụng đêm tối, vận chuyển qua biên giới bằng đường mòn, lối mở, sau đó xé lẻ, trà trộn với hàng hóa có hóa đơn chứng từ rồi đưa vào sâu trong thị trường nội địa bằng xe khách, xe cá nhân để đưa đi tiêu thụ.

Trong vài năm trở lại đây, với hoạt động kinh doanh trực tuyến nở rộ, nguy cơ phát sinh nhiều hành vi vi phạm mới trên không gian mạng đã khiến công tác quản lý thị trường càng thêm phức tạp. 

Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn Đội QLTT số 6 kiểm tra phương tiện hàng hóa nhập lậu
Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn kiểm tra phương tiện hàng hóa nhập lậu.

Trong bối cảnh đó, cùng với nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; góp phần bảo đảm bình ổn giá, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.

Tại Hội nghị giao ban quý III/2021 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh: Từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng lên, dẫn đến tình trạng các đối tượng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả và buôn lậu hoạt động mạnh. Vì vậy, các lực lượng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; xử lý nghiêm việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu và việc quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng. Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác, nhất là trong phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không nể nang, bao che, không gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến cuối năm là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường, Bộ Công Thương Trần Hữu Linh cho biết: Đã chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương từ nay đến cuối năm tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ xuất xứ. Ðồng thời, liên tục kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết hoặc khi dịch bệnh bùng phát, đối với các mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, để công tác quản lý thị trường đạt hiệu quả cao, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng khác nhằm bảo đảm sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 Ngọc Linh