Thực hiện Kế hoạch số 888 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), thời gian qua, lực lượng QLTT ở các địa phương đã tiến hành ký cam kết với gần 1.100 hộ kinh doanh về việc không kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định tại những cửa hàng này theo tiến trình giai đoạn đầu thực hiện Kế hoạch số 888.
Từ tháng 4/2021 đến nay, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 30 vụ việc, xử lý 27 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 500 triệu đồng với tổng giá trị giá hàng hóa vi phạm gần 600 triệu đồng.
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 888, Cục QLTT tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn.
Chủ động nắm bắt diễn biến thị trường để phát hiện, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý để trục lợi...
Phó Cục trưởng Cục QLTT Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Chung cho biết: Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của Cục QLTT tỉnh gặp nhiều khó khăn; công tác phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn hạn chế; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Mặt khác, các vi phạm kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh không nhiều, mang tính chất hoạt động nhỏ lẻ, không tập trung; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tinh vi nhằm đối phó với các lực lượng chức năng; có hành vi che giấu địa chỉ và sử dụng các trang mạng xã hội như zalo, facebook để giao bán hàng hóa gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh, kho cất giấu hàng hoá để kiểm tra, xử lý…
Đoàn công tác của Tổng cục QLTT đã phối hợp với 3 Đội QLTT thuộc Cục QLTT tỉnh trực tiếp đi kiểm tra để nắm bắt tình hình thị trường cũng như việc chấp hành các quy định của các hộ kinh doanh.
Tại cửa hàng điện tử Đại Toan, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh này bày bán nhiều máy sấy tóc, máy ép hoa quả Panasonic, Philips do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Tương tự, tại cửa hàng kinh doanh Zinka-Short, phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas và Nike. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ số hàng hóa vi phạm tại các cửa hàng trên chờ xử lý theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người dân tuân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn thực phẩm để giữ vững ổn định thị trường nội địa trong những tháng cuối năm.
Quản lý tốt các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, từng bước đẩy lùi tình trạng bày bán công khai hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường thương mại điện tử để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người dân.
Hoan Nguyễn