Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua, thực trạng đưa thông tin theo hướng “thổi phồng” công dụng sản phẩm (đặc biệt đối với loại sản phẩm là thực phẩm) trong hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện tràn lan. Nhất là trong bối cảnh xã hội triển khai giãn cách để phòng ngừa dịch Covid-19, hoạt động này càng nở rộ thông qua các mạng xã hội, ứng dụng di động, ứng dụng cuộc họp trực tuyến...
Thậm chí các tổ chức, cá nhân còn thành lập các nhóm kín trực tuyến như “tư vấn sức khỏe”, “chăm sóc sức khỏe chủ động”, “nhân chứng dùng sản phẩm”… để tập hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia.
Trong đó, các đối tượng này chia sẻ, trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm, hoặc mô tả công dụng thực phẩm như một “kinh nghiệm thực tế”, “nhân chứng sống” của người đã từng bị bệnh.
Cách thức đưa thông tin này càng tạo thêm hiểu lầm hoặc hiệu ứng giả bởi các bình luận phía dưới để tạo niềm tin cho người bệnh, người tiêu dùng. Do đó, người bệnh có thể ngộ nhận rằng các sản phẩm này có công dụng phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều trị bệnh.
Để xử lý triệt để tình trạng đưa thông tin sai lệch trong hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/03/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, đề xuất bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến (trong đó bao gồm việc giới thiệu thông tin về sản phẩm bán hàng đa cấp) thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thông báo đến sở công thương địa phương (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại một địa phương đó) hoặc Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại nhiều địa phương).
Bổ sung quy định cấm “cung cấp thông tin” về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.
Trang Nguyễn (t/h)